QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ RÚT LẠI VÀ HỦY BỎ ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG
Phân biệt rút lại và hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.
Khi có bất cứ thay đổi nào liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng, mỗi bên cũng có thể đưa ra những phương hướng thay đổi cho mình và thỏa mãn điều kiện thay đổi.
Có rất nhiều lý do để rút lại hay hủy bỏ lời đề nghị giao kết hợp đồng. Rất lại hay hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng có những điểm khác nhau như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Rút lại đề nghị giao kết hợp đồng: Được quy định tại Khoản 1 điều 389 Bộ luật Dân sự 2015: Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
– Huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng: Được quy định tại Điều 390 Bộ luật Dân sự 2015: Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
2. Hậu quả pháp lý
– Rút lại đề nghị giao kết hợp đồng: Khi thông báo về việc rút lại đề nghi có hiệu lực thì chấm dứt lời đề nghị giao kết hợp đồng
– Huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng: Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực thì chấm dứt lời đề nghị giao kết hợp đồng
3. Điều kiện
– Rút lại đề nghị giao kết hợp đồng: Chỉ được rút lại đề nghị giao kết hợp đồng khi:
+ Thông báo về việc rút lại phải được gửi đến bên đề nghị trước hoặc cùng thời điểm nhận được đề nghị
+ Trong đề nghị giao kết phải nêu rõ về điều kiện rút lại giao kết hợp đồng
– Huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng: Thông báo về việc hủy bỏ đề nghị phải được gửi đến bên được đề nghị trước khi bên này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Trong đề nghị giao kết phải nêu rõ quyền được hủy bỏ lời đề nghị giao kết hợp đồng.
Lưu ý: Trường hợp bên nhận đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng rồi hoặc trong đề nghị không nói về điều kiện phát sinh việc rút lại đề nghị, thì bên đề nghị có thể thông báo hủy hợp đồng theo quy định tại Điều 390 BLDS.