NHỮNG LƯU Ý TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

By admin - Tháng Tư 18, 2023

NHỮNG LƯU Ý TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

1. Căn cứ xác định tuổi của người dưới 18 tuổi

– Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

+ Giấy chứng sinh;

+ Giấy khai sinh;

+ Chứng minh nhân dân;

+ Thẻ căn cước công dân;

+ Sổ hộ khẩu;

+ Hộ chiếu.

– Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì:

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

– Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì: Tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xác định tuổi của họ.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

 Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.”

– Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì:

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng.

(Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH)

2. Xét xử tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

2.1. Điều kiện đối với người tiến hành tố tụng người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH:

– Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:

+ Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;

+ Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;

+ Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

– Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

“Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi;

Người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.”

2.2. Quy định về việc đảm bảo xét xử tố tụng cho người dưới 18 tuổi

Theo Điều 423 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định:

– Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín.

– Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

– Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.

– Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.

– Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

3. Thông báo về hoạt động tố tụng đến người dưới 18 tuổi

3.1. Thời điểm thông báo tố tụng đến người dưới 18 tuổi

Trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải:

– Thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

– Việc thông báo cho gia đình của người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự;

– Việc thông báo cho người đại diện của người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự.

– Việc thông báo các hoạt động tố tụng khác được thực hiện theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.

(khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH)

3.2. Hình thức thông báo tố tụng đến người dưới 18 tuổi

– Hình thức thông báo:

+ Văn bản, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người ra thông báo và người được thông báo.

+ Hình thức khác (thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản)

Khi cần bảo đảm sự có mặt kịp thời của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

– Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi khi nhận được thông báo phải thông tin kịp thời về việc có mặt và tham gia tố tụng của họ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết.

(Khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH)

4. Việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố dưới 18 tuổi

– Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

– Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

– Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý.

Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

– Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

– Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;

+ Ngăn chặn người khác phạm tội;

+ Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;

+ Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

– Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

(Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

5. Bào chữa cho người dưới 18 tuổi

Quyền bào chữa cho người dưới 18 tuổi được quy định như sau:

– Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

– Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

– Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:

  1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
  2. a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  3. b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
  4. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
  5. a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
  6. b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
  7. c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *