Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Một gia đình trong xóm đi bốc mộ, lúc mới bắt đầu đào mộ lên thì tôi đi thăm mộ và phát hiện đó là mộ của cụ tôi. Luật sư cho tôi hỏi: trong trường hợp này gia đình tôi được bồi thường thiệt hại như nào ?
Luật sư tư vấn:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả đều thuộc nhóm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho khách thể mà pháp luật bảo vệ, theo đó người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại mà mình gây ra cho người khác.
Điều 607 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, cụ thể:
“1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 607 Bộ luật dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
* Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi trái pháp luật:
Pháp luật bảo vệ mồ mả của cá nhân. Hành vi trái pháp luật của các chủ thể nhất định xâm phạm tới nơi chôn cất thi hài, xương cốt của người chết sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Trong đó:
– Đối tượng bị xâm phạm: là mồ mả
– Hành vi xâm phạm mồ mả: luôn là hành vi thể hiện dưới dạng hành động và có lỗi của người xâm phạm . Đó có thể là:
+ Xâm phạm trực tiếp đến mồ mả: di chuyển vị trí mồ mả mà không được sự đồng ý của thân nhân người đã chết; đào bới mồ mả, khai quật mồ mả trái với ý chí người thân thích của người đã chết và không đúng quy định của pháp luật;
+ Hành vi đổ phế thải, phế liệu, các chất thải, uế tạp lên ngôi mộ;
+ Hành vi gây nhầm lẫn đối với người thân thích của người chết: san lấp mồ mả, làm mất dấu tích ngôi mộ, thay đổi tấm bia ghi tên người chết…
+ Hành vi xâm phạm đến không gian, hình dáng ngôi mộ, tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ.
Cũng cần lưu ý là những hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm mồ mả và không phải bồi thường: những hành vi của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như khai quật mộ để khám nghiệm tử thi, đưa mộ liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ…
Khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả cũng cần phân biệt với hành vi không bị coi là xâm phạm mồ mả nhưng thuộc trách nhiệm dân sự khác như hành vi bịa đặt những tin đồn về người có mồ mả, tạo ra những dư luận làm giảm uy tín, danh dự của người có mồ mả cũng là hành vi trái pháp luật nhưng không phải là hành vi xâm phạm mồ mả.
* Có thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả xảy ra trên thực tế: Thiệt hại trong bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là những tổn thất vật chất thực tế tính được thành tiền do việc xâm phạm đến mồ mả và thiệt hại về tổn thất tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả. Đây là yếu tố quan trọng cấu thành nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm.
* Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra: hành vi xâm phạm mồ mả có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại về tài sản của những người thân thích của cá nhân có mồ mả, đồng thời cũng là hành vi xâm phạm tới quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả.
Như vậy, hành vi xâm phạm mồ mả thỏa mãn những yếu tố trên thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
2. Nội dung trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là việc yêu cầu chủ thể xâm phạm mồ mả phải thực hiện nghĩa vụ nhất định. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là một loại trách nhiệm pháp lý, theo đó người có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới mồ mả phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Trách nhiệm của người có hành vi xâm phạm mồ mả bao gồm:
– Trách nhiệm về tài sản:
Tính hợp lý khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả của người bị xâm phạm được xác định trên cơ sở những thiệt hại thực tế. Những loại thiệt hại này có thể tính toán thành một số tiền nhất định. Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm gồm những khoản như: chi phí mua vật liệu xây dựng; chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại đã gây ra… Ngoài những chi phí trên thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường chi phí do việc xâm phạm mồ mả của mình trong trường hợp mồ mả bị hư hỏng, không thể sử dụng đúng mục đích. Đó là những chi phí để bảo quản thi thể, hài cốt, chi phí đó có thể là thuê địa điểm trong nhà xác để bảo quản, chi phí thuê người vận chuyển thi thể, hài cốt… Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì người gây thiệt hại phải bồi thường bấy nhiêu. Những chi phí cho thầy bói, cô đồng và những chi phí khác liên quan đến điều cấm của pháp luật như gọi hồn người chết, yểm bùa… thì người xâm phạm mồ mả không phải bồi thường.
– Trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần: Thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, do vậy người xâm phạm mồ mả của người khác thì ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thì còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Vì hành vi xâm phạm mồ mả không những đã gây thiệt hại về phần tài sản như xác định trên đây mà còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó. Đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.
Như vậy, gia đình bạn sẽ được bồi thường chi phí hợp lý để hạn chế, khác phục thiệt hại; đồng thời được nhận khoản bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.