Nghỉ ốm có trừ vào nghỉ phép năm không?
Nghỉ ốm có bị trừ phép năm không?
Theo khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi:
– Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh được cấp phép;
– Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp phép.
Theo đó, xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh để giải quyết chế độ ốm đau: Giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.
Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính), trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì Giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao (khoản 1 Điều 8 Quyết định 636/QĐ-BHXH).
Như vậy, trường hợp nghỉ việc do ốm đau, có giấy xác nhận của cơ sở y tế về việc hưởng bảo hiểm thì sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán chế độ ốm đau.
Do đó, những ngày người lao động nghỉ ốm đau, công ty không được trừ vào phép năm.
Người lao động được nghỉ phép ít nhất 12 ngày/năm:
Theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một công ty thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động, cụ thể:
– 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
– 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; lao động chưa thành niên hoặc người khuyết tật;
– 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Như vậy, theo quy định trên thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho công ty thì được nghỉ hàng năm và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Hiện nay, không có quy định cụ thể một tháng người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày phép, mà tùy từng trường hợp, khi làm việc được 12 tháng trở lên thì người lao động sẽ được nghỉ hàng năm với tổng số ngày tương ứng tùy thuộc vào tính chất và điều kiện công việc.
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động có thể thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.