Thế nào là kết hôn trái pháp luật ?
Kết hôn là việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người. Nhưng có một số trường hợp việc kết hôn không được pháp luật công nhận do xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Vậy kết hôn trái pháp luật là gì ?
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn, bao gồm:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn bao gồm: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Một trong hai bên vi phạm các điều kiện kết hôn thì việc kết hôn đó trái pháp luật. Vậy những vi phạm điều kiện kết hôn này được hiểu như thế nào? Dưới đây là bài viết phân tích về vi phạm sự tự nguyện trong kết hôn.
Các trường hợp vi phạm sự tự nguyện trong kết hôn bao gồm: Ép buộc kết hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn, kết hôn giả tạo.
– Ép buộc kết hôn, cưỡng ép kết hôn:
+ Cưỡng ép kết hôn: Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Điều luật nhắm chủ yếu vào việc đấu tranh chống tệ nạn cưới ép, gả ép trong các gia đình Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của các hủ tục phong kiến trong hôn nhân, cũng như của chế độ hôn nhân xếp đặt. Trong thực tiễn xét xử, cưỡng ép kết hôn được hiểu là hành vi của một người thứ ba chứ không phải của một trong hai bên kết hôn. Theo Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, người thứ ba có thể cưỡng ép một trong hai bên hoặc cả hai bên tiến hành kết hôn trái với nguyện vọng của họ.
– Lừa dối kết hôn: Luật hiện hành chỉ có định nghĩa chung về sự lừa dối, được ghi nhận tại Bộ Luật dân sự 2015 và được áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự, không có định nghĩa riêng về sự lừa dối trong hôn nhân: Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Có thể hiểu rằng, lừa dối trong hôn nhân là việc một bên cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch để bên kia chấp nhận xác lập giao dịch kết hôn.
Định nghĩa này rất chung chung và khó áp dụng.
Ví dụ: A muốn kết hôn với B; C cố ý làm cho A nhầm tưởng rằng mình là B; cuối cùng, A kết hôn với C mà cứ ngỡ rằng đã kết hôn với B. Trong giả thiết vừa nêu, A có thể yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Cũng có thể xin thể huỷ hôn nhân do có sự lừa dối, nếu người đàn ông đề nghị cưới người đàn bà để làm vợ, cuối cùng lại cư xử với người đàn bà như một người giúp việc nhà.
Thế nhưng, nếu A muốn kết hôn với B vì tin rằng B giàu có và B cũng cố ý làm ra vẻ giàu có (dù thực ra rất nghèo) để A chấp nhận kết hôn với mình, thì khó có thể nói rằng A có quyền yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Càng không thể xin hủy hôn nhân do có sự lừa dối, nếu A tin rằng B là một chàng trai tơ và B cũng cố tình làm ra vẻ như vậy, dù trên thực tế, B đã có một (thậm chí nhiều) đời vợ.
Toà án nhân dân tối cao cũng không xây dựng khái niệm lừa dối trong hôn nhân mà chỉ cho một số ví dụ gọi là lừa dối như tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, một bên nói với bên kia rằng nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp, sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; một bên không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu;…
– Cản trở kết hôn: Theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
– Hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ: Được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.
+ Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.
+ Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v…
– Kết hôn giả tạo: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Thực tế, đại bộ phận các trường hợp kết hôn giả là vì mục đích đi xuất khẩu lao động. Thường những cô gái có nhu cầu xuất khẩu lao động thông qua dịch vụ môi giới đăng ký kết hôn với đàn ông quốc tịch nước đó sẽ nhanh chóng được nhập cư mà không phải mất thời gian chờ đợi.
Trong nhiều trường hợp, việc kết hôn giả bất thành tạo trở ngại pháp lí lớn sau này cho đối tượng kết hôn giả và con cái họ.
Ví dụ: chị A đã làm thủ tục kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc nhưng việc xuất cảnh bất thành. Chị X chấp nhận việc không sang Hàn Quốc và sau đó cưới một người cùng làng, chấp nhận không được làm thủ tục đăng kí kết hôn với người chồng thực sự vì đang có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc.
Thế nhưng khi đứa con sinh ra không được cấp giấy khai sinh do chị X cần có đơn li hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan con mình sinh ra ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ! Việc kết hôn giả của người mẹ vô hình trung đã xâm phạm tới quyền của đứa trẻ: Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền bình đẳng, một trong những quyền đó là được khai sinh.
Bỏ ra một số tiền lớn cho dịch vụ kết hôn giả vì mục đích xuất khẩu lao động hoặc nhập tịch nhưng rất nhiều trường hợp tiền mất tật mang. Qua thẩm tra thông tin của cơ quan chức năng, nhiều trường hợp kết hôn giả bị lật tẩy không thể đi lao động nước ngoài và mất toi một khoản tiền lớn thường là vay mượn.
Như vậy, đối với kết hôn giả tạo, mục đích kết hôn không được đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, thực tế hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.