Tội cướp và tội cướp giật tài sản có gì khác nhau ?

Tội cướp và tội cướp giật tài sản có gì khác nhau ?

By admin - Tháng Mười 9, 2018

Tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản là hai tội khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên có khá nhiều người nhầm lẫn giữa hai tội này. Vậy hai tội này có điểm gì giống và khác nhau ?

1.Khái niệm

-Tội cướp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015: “1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

– Tội cướp giật tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015: “1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

2.Giống nhau

Tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản đều là các tội nhằm trong nhóm các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Hai tội này đều có điểm chung là lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, chúng vẫn có sự khác biệt cơ bản.

3.Khác nhau

– Khái niệm:

+ Tội cướp tài sản: Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Việc xác định vũ lực có được dùng ngay tức khắc hay không sau lời đe doạ là một vấn đề rất khó và là cơ sở để phân biệt với tội cưỡng đoạt tài sản

+ Tội cướp giật tài sản:Cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Khác với tội cướp tài sản, người thực hiện hành vi cướp giật tài sản không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; mà lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát.

– Khách thể bị xâm phạm:

+ Tội cướp tài sản: Xâm phạm quyền sở hữu tài sản nhưng có thể có hoặc không xâm phạm quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe.

+ Tội cướp giật tài sản: Xâm phạm quyền sở hữu tài sản và quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe.

– Mặt khách quan của tội phạm: 

+ Tội cướp tài sản: Có 3 dạng hành vi khách quan sau:

  • Dùng vũ lực: là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…;
  • Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: là đe dạo dùng tức khắc sức mạnh vất chất được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ hành động đe dọa sẽ tấn công người quản lý tài sản hoặc những người khác nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Ví dụ: A dùng súng bắn chỉ thiên và đe dọa, bắt B phải tháo đồ trang sức trên người đưa cho hắn nếu không hắn sẽ bắn chết ngay…
  • Hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: hành vi thứ ba này tuy không phải là hành vi dùng vu lực nhưng có khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt. Ví dụ như: hành vi đầu độc, hành vi dùng thuốc mê.

Thời điểm hoàn thành của tội cướp tài sản được tính từ khi người phạm tội có một trong các hành vi nói trên.

      + Tội cướp giật tài sản: Hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Hành vi chiếm đoạt ở tội cướp giật tài sản có hai dấu hiệu để phân biệt với tội cướp tài sản, đó là: Tính công khai của hành vi; Không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc những hành vi khác khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể kháng cự được.

*Những vấn đề liên quan đến tội cướp tài sản:

– Thực tiễn xét xử còn cho thấy dùng bạo lực liền sau khi lấy được tài sản để giữ bằng được tài sản cũng bị xem là tội cướp tài sản.

+ Đây là trường hợp mà khoa học Luật hình sự gọi là chuyển hoá tội phạm. Ví dụ, ban đầu người phạm tội lấy tài sản một cách lén lút (trộm cắp) hoặc lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu nhanh chóng chiếm đoạt tài sản (cướp giật)…

+ Tuy nhiên, sau đó bị phát hiện, người phạm tội lúc đó chưa hoàn toàn giữ được tài sản và giằng co với chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc những người giúp chủ sở hữu quản lý tài sản và đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để giữ bằng được tài sản khiến cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không giữ được tài sản thì cũng bị xem là phạm tội cướp tài sản.

– Hậu quả của tội cướp tài sản có thể chỉ là thiệt hại nhân thân (tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm) hoặc thiệt hại về sở hữu (tài sản). Khi cả hai quan hệ đó đều bị xâm hại thì xác định xem có xảy ra trường hợp phạm nhiều tội hay không:

+ Nếu người phạm tội dùng mọi hành vi và mong muốn nạn nhân chết hoặc để mặc nạn nhân chết nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sau khi cướp tài sản, bị đuổi bắt, người phạm tội đã giết người thì phải định hai tội: cướp tài sản và giết người.

+ Nếu có hậu quả thương tích xảy ra (tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên), người phạm tội chỉ bị truy cứu về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng “gây thương tích” .

+ Nếu có xảy ra hậu quả về danh dự, nhân phẩm xảy ra mà hành vi xâm hại đó không liên quan đến việc khống chế khả năng chống cự của nạn nhân thì người phạm tội còn bị truy cứu thêm các tội phạm tương ứng với hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm đó.

* Những vấn đề liên quan đến tội cướp giật tài sản:

Cũng xem là hành vi cướp giật khi người phạm tội có tác động nhẹ vào người nạn nhân (không đáng kể, không nhằm làm mất đi sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản) và giật tài sản.

– Đối tượng của hành vi cướp giật thường là những loại tài sản gọn nhẹ, như: đồng hồ, dây chuyền, hoa tai, túi xách…, cá biệt có thể là xe đạp, xe gắn máy.

– Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.”

– Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội giật tài sản khỏi nơi giữ của nạn nhân, không kể sau đó có chiếm luôn được không.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *