Thấy người bị nạn mà không cứu có thể bị xử lý ở mức độ nào ?
“ Cứu giúp người bị nạn vừa là tình người, vừa là nghĩa vụ “
Theo quy định của pháp luật, không phải cứ có gây có hành vi gây thiệt hại cho người khác hoặc gây nguy hiểm cho xã hội thì mới bị xử lý.
Trong một số tình huống nguy hiểm như: tai nạn giao thông, đuối nước, phát bệnh,…nếu không được cứu giúp kịp thời thì người gặp nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí chết người.
Việc cứu người khi được yêu cầu và có điều kiện giúp đỡ không chỉ là vấn đề tình nghĩa mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.
Vì vậy, người nào khi được yêu cầu hoặc có điều kiện mà không cứu người bị nạn có thể sẽ bị phạt hành chính hay thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Không cứu giúp người nguy hiểm đến tính mạng phạt tù đến 7 năm
Trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
- b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
- Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
Trong đó, căn cứ theo quy định trên, để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:
– Người phạm tội đã nhìn thấy có người bị tai nạn hoặc trong trường hợp khác đang bị nguy hiểm có thể dẫn đến bị chết nhưng không có hành động gì để việc cứu giúp nạn nhân.
– Người phạm tội phải là người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân. Cụ thể, họ có thể đưa người bị nạn đi cấp cứu, gọi cấp cứu hoặc biết cách sơ cứu nạn nhân… để ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra, nhưng họ đã không hành động, tức không cứu giúp người bị nạn.
– Về hậu quả: Hậu quả chết người phải là hệ quả tất yếu của hành vi không cứu giúp người bị nạn. Nếu hậu quả người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chết thì người không cứu giúp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu thỏa mãn các dấu hiệu trên, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.
Đồng thời, cũng theo Điều 132, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.