Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn trong TTHS và một số lưu ý khi áp dụng
Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự và một số lưu ý khi áp dụng
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS năm 2015 bao gồm: Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS năm 2015 được xác định như sau:
+ Giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
– Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
– Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
+ Bắt người phạm tội quả tang; Bắt người đang bị truy nã.
Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
+ Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
+ Tạm giữ
Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của BLTTHS có quyền ra quyết định tạm giữ.
+ Tạm giam.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS có quyền áp dụng biện pháp này.
+ Bảo lĩnh; Đặt tiền có bảo đảm; Tạm hoãn xuất cảnh.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS, Thẩm phán tọa phiên tòa có quyền áp dụng biện pháp này.
+ Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS, Thẩm phán tọa phiên tòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên trong thực tiễn thì việc áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam, theo đó Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp đều có thẩm quyền quy định tại điều này.
Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền của Chánh án, Phó Chánh án tại điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015 như sau: “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng”. Như vậy, ngoài biện pháp ngăn chặn tạm giam, luật không quy định Chánh án, Phó Chánh án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác không?
Xung quanh vấn đề này tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Quy định “những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS là người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này”, thì Chánh án là người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại các Điều 121, 122, 123, 124 và sau khi thụ lý hồ sơ, trường hợp Chánh án là chủ tọa phiên tòa hoặc chưa phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì thẩm quyền này đương nhiên phải do Chánh án quyết định.
Quan điểm thứ hai: Chánh án không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tại các Điều 121, 122, 123, 124 vì theo điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS chỉ quy định Chánh án có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Mặt khác quy định tại khoản 1 Điều 278 về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế xác định “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”.
Qua nghiên cứu các quy định BLTTHS năm 2015 và thực tiễn vấn đề này nhận thấy quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn trong TTHS dựa vào tính chất của từng biện pháp ngăn chặn, theo đó đối với biện pháp tạm giam đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất nên do Chánh án và Phó chánh án có thẩm quyền áp dụng; còn các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú tạm hoãn xuất cảnh thì Thẩm phán có thẩm quyền áp dụng. Việc căn cứ vào tính chất của các biện pháp ngăn chặn để quy định thẩm quyền là hoàn toàn phù hợp.
Mặc dù BLTTHS không quy định thẩm quyền cho Chánh án và Phó chánh án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú…tuy nhiên xét về mặt tính chất thì các biện pháp ngăn chặn này không nghiêm khắc như tạm giam mà thẩm quyền áp dụng chỉ có Chánh án và Phó chánh án thì các biện pháp ngăn chặn khác thì có thẩm quyền, tuy nhiên, nhằm tránh sự chồng chéo và xung đột về thẩm quyền đối với Thẩm phán thì cần hướng dẫn theo đó cần quy định cụ thể các trường hợp sau Chánh án và Phó chánh án được hủy bỏ, thay đổi, áp dụng các biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh, đặt tiền cấm đi khỏi nơi cứ trú bao gồm:
Thứ nhất: Khi Chánh án và phó chánh án được phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Thứ hai: Trường hợp hồ sơ vụ án chuyển sang cho Tòa án xét thấy cần áp dụng, hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn mà chưa phân công được Thẩm phán giải quyết thì Chánh án hoặc Phó chánh án có thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Như vậy, nhằm đảm bảo việc xác định đúng đắn thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và thống nhất áp dụng pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn./.