QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN
Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào và bất kể trường hợp nào cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện công việc thay mình được, có 1 số trường hợp bắt buộc chính cá nhân hay tổ chức đó phải là người đứng ra thực hiện công việc đó, chịu trách nhiệm về công việc đó…
Vậy thì trường hợp nào không được ủy quyền? Đó là các trường hợp:
1. Đăng ký kết hôn
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt.
(Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Quyết định 3814/QĐ-BTP năm 2012)
2. Ly hôn
Bạn có thể nhờ Luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi ly hôn, tuy nhiên, bạn nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa để giải quyết vụ việc ly hôn và ký tên vào các biên bản, tờ khai.
Điều 85. Người đại diện…4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện. (Bộ luật tố tụng dân sự 2015) |
3. Công chứng di chúc của mình
Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc
(Theo Điều 56 Luật công chứng 2014)
4. Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc
Cụ thể, nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.
(Theo Điểm a Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
5. Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền
Cụ thể, nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền).
(Theo Điểm b Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
6. Các trường hợp không được ủy quyền trong tố tụng hình sự
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Cấp trưởng, cấp phó cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
(Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015)
7. UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không được ủy quyền
(Theo Khoản 4 Điều 59 Luật đất đai 2013)
8. Trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba
(Theo Khoản 5 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015)
9. Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng là công ty TNHH 2 thành viên trở lên không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình
(Theo Khoản 5 Điều 81 Luật các tổ chức tín dụng 2010)
10. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp
(Theo Khoản 2 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
11. Cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước ở địa phương nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền
(Theo Khoản 2 Điều 14 Luật tổ chức chính quyền ở địa phương 2015)
12. Cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2
Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
(Theo Khoản 2 Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009)
13. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không được ủy quyền quyết định trưng mua tài sản
(Theo Khoản 3 Điều 14 Luật trưng mua trưng dụng tài sản năm 2008)
14. Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản
(Theo Khoản 5 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản 2014)
15. Người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay mình tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân
(Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015)