MAI PHONG LAWFIRM – Hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự
Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Hành vi trốn nghĩa vụ quân sự là một trong các hành vi pháp luật nghiêm cấm căn cứ theo Điều 10 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định. Vậy xử lý vi phạm trong trường hợp này như thế nào?
1, Đối tượng phải đi nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành:
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015:
Công dân đủ 18 tuổi sẽ được gọi nhập ngũ và độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi (trừ các trường hợp được tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự theo quy định). Nếu công dân đi học cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Về đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 12 Luật này gồm:
- Công dân nam: đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ: nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đủ 18 tuổi trở lên.
Vì vậy, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định, không phân biệt về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú…đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2, Xử phạt hành chính với người trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự:
Căn cứ Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, người không thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt hành chính cụ thể như sau:
a, Phạt từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng: Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi mà không có lý do chính đáng.
b, Phạt từ 1,5 triệu đồng – 2,5 triệu đồng nếu: Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
c, Phạt từ 02 triệu đồng – 04 triệu đồng:
- Gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự
- Đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe.
Ngoài bị phạt tiền, người có một trong các hành vi nêu trên còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
3, Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn nghĩa vụ quân sự:
Căn cứ theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1, Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.”
Theo đó, chỉ trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính một lần rồi nhưng vẫn thực hiện hành vi trốn nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác, khi đã nộp phạt hành chính bằng tiền rồi mà vẫn cố tình trốn khi có lệnh gọi tham gia nghĩa vụ quân sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi, hướng dẫn, thực hiện thủ tục liên quan, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline: 097. 420. 6766