Hoãn chấp hành hình phạt tù

Hoãn chấp hành hình phạt tù

By admin - Tháng Sáu 21, 2018

Hoãn chấp hành hình phạt tù

Hoãn chấp hành hình phạt tù được hiểu là tạm thời chuyển thời gian chấp hành hình phạt tù của người bị kết án tù qua một thời điểm muộn hơn. Có thể lý giải xuất phát điểm về chế định hoãn chấp hành hình phạt tù trong pháp luật hình sự Việt Nam là nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, ngoài ra còn hướng đến bảo vệ quyền con người một cách triệt để và tối đa cho người bị kết án và cả chính những người thân của họ. Bởi vì, có thể nói, việc thi hành án phạt tù sẽ kéo theo hậu quả là họ sẽ phải thi hành án tại trại giam và sẽ không được tiếp tục lao động, chu cấp kinh tế cho gia đình hay nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, người thân khác được trong suốt thời gian chấp hành án. Và như vậy, việc chấp hành án phạt tù sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân, sức khỏe của chính người bị kết án; không những thế việc thi hành án này phần nào đó cũng sẽ có tác động lớn đến những người thân, hoàn cảnh gia đình

Hiện nay, chế định về “hoãn chấp hành hình phạt tù” được quy định cụ thể tại Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người bị xử phạt tù CÓ THỂ được hoãn chấp hành hình phạt khi thuộc 01 trong 04 trường hợp sau đây:

*TH1: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục:

– Theo điểm a Mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 01)  thì “Bệnh nặng” được hiểu là:

+ Người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…

+ Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

– Thời hạn hoãn: Theo điểm a Mục 7.3 Nghị quyết 01 thì: “Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.”Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là cho đến hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “sức khỏe được hồi phục” và “Cơ quan nào kết luận đánh giá?”. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và xem xét về thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị bệnh nặng. Mặt khác, việc không quy định rõ ràng về điều kiện trên cũng sẽ dẫn đến trường hợp sức khỏe của người bị kết án đã được hồi phục nhưng cố tình chây ỳ không đi chấp hành án, làm cho bản án của Tòa án không được tôn trọng và thực thi.

*TH2: Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi:

Điều kiện này được hiểu cụ thể theo hướng dẫn tại điểm b Mục 7.1 Nghị quyết số 01 như sau: “Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu.”

– Thời hạn hoãn:

Hiện nay, có 03 luồng quan điểm khác nau về việc áp dụng điều kiện này:

Thứ nhất: Quy định cho phép phụ nữ bị xử phạt tù được phép hoãn chấp hành hình phạt tù từ lúc có thai đến lúc con của họ được 36 tháng tuổi;

Thứ hai: Ngược với quan điểm trên, có người lại cho rằng, cần tách 02 nội dung “có thai” và “nuôi con dưới 36 tháng tuổi” riêng biệt để hiểu được quy định này một cách công bằng. Trong thực tiễn, có trường hợp người phụ nữ bị xử phạt tù lúc đầu có thai, song sau đó vì lý do nào đó bị sảy thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng đột nhiên con chết. Chính vì vậy, nếu theo quan điểm thứ nhất thì thiếu tính chặt chẽ, thiếu công bằng, người phạm tội lẫn trách nhiệm chịu hình phạt tù trong khi họ có điều kiện chấp hành hình phạt tù.

Thứ ba: Vẫn áp dụng như quan điểm thứ nhất nhưngTòa án cần cho phép hoãn chấp hành hình phạt tù từng năm một cho đến khi con của người bị kết án được 36 tháng tuổi để tiện theo dõi, quản lý công tác thi hành án phạt tù (trường hợp này vẫn khắc phục được những vướng mắc như quan điểm thứ hai đã nêu).

*TH3: Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:

Chúng ta cần hiểu “Người lao động duy nhất” là chỉ có người này đem lại nguồn thu nhập, không có người lao động nào khác đóng góp vào thu nhập chung của gia đình.

Theo đó, để được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người lao động duy nhất thì cần phải đáp ứng các điều kiện ràng buộc theo như sau:

Thứ nhất: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người là lao động chính (người lao động đóng góp chủ yếu trong thu nhập chung của gia đình).

 + Thứ hai: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Chỉ cho hoãn chấp hình phạt tù đối với người là lao động duy nhất trong gia đình, trong trường hợp người đó nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, còn trường hợp khó khăn, rất khó khăn thì không giải quyết.

Nghị quyết 01 có hướng dẫn “Khó khăn đặc biệt” được hiểu là: như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng… những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động”.  Bên cạnh đó, tại điểm g Mục 1.3 của Công văn số 330/TANDTC-V1 ngày 01/11/2016 của Tòa án nhân dân tối cao cũng có hướng dẫn: “Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là người lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình”.

-Thời hạn hoãn: Được hoãn đến 01 năm. Cụ thể tại Nghị quyết 01 có quy định:“Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm”.

*TH4: Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm:

Cụ thể, điều kiện trên được hướng dẫn tại Nghị quyết 01 và được hiểu như sau:

+ Là người bị kết án về tội ít nghiệm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù);

+ Và do nhu cầu công vụ, tức là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó).”

– Thời hạn hoãn: Được hoãn đến 01 năm.

Kết luận: Như vậy, khi người bị kết án rơi vào 01 trong 04 trường hợp nêu trên thì Tòa án sẽ xem xét để hoãn chấp hành hình phạt tù và việc quyết định có cho phép hoãn hay không là do Tòa án đưa ra kết luận cuối cùng chứ không phải người bị kết án sẽ đương nhiên được hoãn chấp hành hình phạt tù khi rơi vào một trong số những trường hợp này, bởi vì Điều tại Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định rõ ràng là: “Người bị xử phạt tù CÓ THỂ được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *