ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC

By admin - Tháng Một 4, 2021

Di chúc là một giao dịch dân sự mang tính chất đặc biệt, giao dịch dân sự này chỉ phát sinh hiệu lực khi người lập do người lập di chúc chết.

Xét theo quy định của pháp luật, thì một di chúc có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Điều kiện về năng lực chủ thể

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phản ánh cá nhân có khả năng bằng hành vi của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Cá nhân chỉ có thể lập di chúc thể hiện ý chí của mình khi cá nhân đó có thể định đoạt được tài sản của mình. Vì vậy, pháp luật đòi hỏi người lập di chúc phải đạt đến một độ tuổi nhất định đồng thời phải đủ khả năng nhận thức về việc định đoạt tài sản của mình.

Vì thế mà pháp luật yêu cầu người lập di chúc phải là người đã thành niên và hoàn toàn có khả năng nhận thức vào thời điểm lập di chúc. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nhưng phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Thứ hai: Điều kiện về ý chí của người lập di chúc

Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Đây là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo di chúc thể hiện đúng ý nguyện, sự định đoạt, quyết định của người lập di chúc về việc dịch chuyển tài sản của họ sau khi chết.

Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất ý chí và bày tỏ ý chí của họ ra bên ngoài, sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong những trường hợp người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc lừa dối.

Cưỡng ép người lập di chúc có thể là sự cưỡng ép về thể chất hoặc về tinh thần. Lừa dối người lập di chúc có thể được thực hiện thông qua việc đưa thông tin sai lệch để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc đã mất tích nên không để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người khác,…

Thứ ba: Điều kiện về nội dung của di chúc

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế, phân chia di sản thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế…

Bản thân di chúc thể hiện ý chí tự định đoạt rất cao của người để lại di chúc trong việc định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời cho những người còn sống, pháp luật không can thiệp sâu vào sự tự do ý chí đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quyền định đoạt ấy không chịu sự ràng buộc nào của pháp luật. Ý chí tự định đoạt của người lập di chúc phải phù hợp với ý chí của nhà nước và đạo đức xã hội. Nếu di chúc có nội dung trái với pháp luật và đạo đức xã hội thì có thể bị coi là vô hiệu.

Thứ tư: Điều kiện về hình thức

Hình thức của di chúc là phương tiện biểu hiện ý chí của người lập di chúc. Căn cứ theo quy định tại Điều 627 BLDS thì di chúc phải được lập thành văn bản, nếu như không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong một só trường hợp đặc biệt sẽ yêu cầu phải lập di chúc bằng văn bản hoặc bằng văn bản và có công chứng/chứng thực. Tùy theo trường hợp mà pháp luật quy định điều kiện, thủ tục về mặt hình thức và khi không đáp ứng những điều kiện về mặt hình thức đó thì di chúc bị coi là vô hiệu

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711 – (04) 62. 810. 722 –  097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *