Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa từ 01/01/2025.

By admin - Tháng Bảy 25, 2024
  1. Quy định về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Luật Đường bộ 2024 đã không còn quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách nữa mà thay vào đó là quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Về cơ bản, đây cũng chính là điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách.

Theo đó, khoản 1 Điều 57 Luật Đường bộ 2024 quy định, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm:

  • Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;
  • Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và sử dụng người lái xe bảo đảm đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;
  • Công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải;
  • Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật;
  • Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật;
  • Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô còn có các nghĩa vụ sau:

  • Chấp hành và thực hiện đầy đủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;
  • Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé, giá trị hợp đồng vận tải;
  • Thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá; cung cấp vé, chứng từ thu tiền vận tải;
  • Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện việc miễn giảm giá vé đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật;
  • Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hành khách thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;
  • Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.

Nhìn chung, những quy định trên có sửa đổi về hình thức và vị trí quy định (một số quy định tại nghĩa vụ được đưa lên phần trách nhiệm) nhưng các nghĩa vụ và trách nhiệm cơ bản khi kinh doanh hoạt động vận tải hành khách vẫn được giữ lại.

  1. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa.

Theo quy định tại Điều 61 Luật Đường bộ 2024, hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy vận tải. Theo đó, Giấy vận tải  là giấy tờ để xác nhận việc người lái xe đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng hàng hóa để vận tải đến nơi trả hàng; là bằng chứng của hợp đồng vận tải hàng hóa.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có các trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;
  • Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;
  • Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật;
  • Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật;
  • Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

  • Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hàng hóa thay mình thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;
  • Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa;
  • Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện vận tải;
  • Hướng dẫn, kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe và thực hiện các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận tải, giao nhận hàng hóa;
  • Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định mới nhất tại Luật Đường bộ 2024.

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *