Yếu tố lỗi trong ly hôn

Yếu tố lỗi trong ly hôn

By admin - Tháng Tám 31, 2018

YẾU TỐ LỖI TRONG LY HÔN

Pháp luật về hôn nhân và gia đình trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được ban hành, khi đề cập đến trách nhiệm của các bên trong việc chia tài sản chung, trong quan hệ hôn nhân… đều không thấy đề cập đến yếu tố lỗi, nên đã gây ra không ít khó khăn trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm của các bên đã có lỗi. Ví dụ: người chồng thường xuyên say rượu, đánh bạc, đánh vợ,… dẫn đến việc phải ly hôn, nhưng văn bản luật năm 2000 chưa có quy định về xác định lỗi của các bên để chia tài sản chung.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, lần đầu tiên đề cập yếu tố lỗi ở các nội dung sau:

– Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; và lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có bổ sung yếu tố lỗi vào một trong những căn cứ trong phân chia tài sản chung giữa vợ chồng. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng vẫn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của Luật. Quy định này góp phần vào việc ổn định quan hệ hôn nhân và gia đình đồng thời bảo vệ quyền lợi của bên “bị hại” trong quan hệ hôn nhân và gia đình, mà phần lớn là phụ nữ.

 – Hai là, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trong khi đó Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, tại Điều 89 về căn cứ cho ly hôn chỉ đề cập: Tòa án xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đính hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn.

Từ đó thấy được Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã bổ sung điểm mới khi cho chế định ly hôn là có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng. Như vậy, rõ ràng Luật hiện hành đã đưa yếu tố lỗi để xem xét cho ly hôn. Đây là quan điểm tiến bộ, được nhiều người đồng tình ủng hộ, phù hợp với các yếu tố cấu thành của trách nhiệm dân sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *