Lao động là người giúp việc gia đình theo quy định pháp luật
Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Căn cứ Điều 179 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
– Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
– Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc thì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này.
Theo Điều 179 Bộ luật Lao động, người lao động giúp việc gia đình chỉ thực hiện “công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”. Trước đây, theo Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 về việc làm công do Hồ Chủ tịch ký ban hành thì người lao động giúp việc gia đình được quy định là “gia nhân” với đặc điểm là “những người mà chủ thuê để giúp việc trong nhà”. Như vậy, người lao động giúp việc gia đình không làm các công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh tạo ra lợi nhuận hoặc cạnh tranh trên thị trường mà thực hiện công việc liên quan đến đời sống sinh hoạt của gia đình, cá nhân có nhu cầu giúp việc.
Đặc điểm nữa của người lao động giúp việc gia đình là họ làm việc có tính thường xuyên trong một hoặc nhiều hộ gia đình (pháp luật không hạn chế phạm vi thực hiện công việc). Đặc điểm này được khẳng định rõ, đồng thời trong quy định tại khoản 2 Điều 179: Người giúp việc theo hình thức khoán thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp đó việc thực hiện công việc khoán của họ được điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự. Cũng cần hiểu rằng, tính chất thường xuyên không phải là tình trạng lặp đi lặp lại trong chu kỳ làm việc mà phải là tính chất lặp đi lặp lại liên tục hằng ngày (thường xuyên) của việc thực hiện công việc. Người lao động giúp việc gia đình chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động khi mà hằng ngày họ có mặt và thực hiện nghĩa vụ của mình với tính chất “làm công ăn lương”, được “biên chế” vào thành phần sinh hoạt của gia đình.
Một người lao động được thuê mướn theo hình thức cứ đến một ngày nhất định trong tháng lại thực hiện công việc nhất định sau đó nhận một khoản tiền cho dịch vụ đó thì không được coi là người giúp việc gia đình, không thể áp dụng theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Lao động vì họ là người nhận khoán, công việc của họ cũng có thể dễ dàng thay đổi hoặc bị thay thế, hoàn toàn không giống trường hợp một người hằng ngày chăm sóc gia đình về ăn uống, sinh hoạt.