Điểm mới về bị can, bị cáo theo BLTTHS năm 2015
Điểm mới về bị can, bị cáo theo BLTTHS năm 2015
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định về bị can, bị cáo theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn và mở rộng quyền của bị can, bị cáo giúp đảm bảo tính công bằng, công khai trong việc thực thi pháp luật hình sự.
Về bị can (Điều 60)
Khác với BLTTHS 2003, bị can chỉ là cá nhân, BLTTHS năm 2015 quy định bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự (khoản 1).
Khoản 2 Điều 60 BLTTHS năm 2015 bổ sung cho bị can thêm một số quyền để bảo đảm cho bị can thực hiện tốt quyền bào chữa của mình:
– Nhận quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; biện pháp cưỡng chế;
– Trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
– Đưa ra chứng cứ;
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, người định giá tài sản, người dịch thuật;
– Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
BLTTHS năm 2015 đã thay thế cụm từ “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát” thành cụm từ “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Sự thay thế như trên có nghĩa là, bị can chẳng những phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Tòa án.
Quy định rõ 02 trường hợp bị can có thể bị áp giải: (1) Vắng mặt khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng; (2) Vắng mặt khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập mà không do trở ngại khách quan.
Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm nghĩa vụ của bị can là phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 3).
BLTTHS năm 2003 chỉ quy định bị can vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải. BLTTHS năm 2015 quy định rõ ràng, đầy đủ hơn: Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã. Áp giải là một trong những biện pháp cưỡng chế, được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử. Việc áp giải bị can thực hiện theo quy định tại Điều 127 BLTTHS năm 2015.
Khác với Điều 50 BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 61).
Về bị cáo (Điều 61)
So với BLTTHS năm 2003, tại khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung cho bị cáo thêm một số quyền để bảo đảm cho bị cáo thực hiện tốt quyền bào chữa:
– Nhận quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện biện pháp cưỡng chế;
– Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, người định giá tài sản, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
– Đưa ra chứng cứ;
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
– Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý;
– Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa.
BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn 02 trường hợp bị cáo có thể bị áp giải, đó là:
– Vắng mặt khi Tòa án triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng.
– Vắng mặt khi Tòa án triệu tập mà không do trở ngại khách quan.
BLTTHS 2015 cũng bổ sung nghĩa vụ của bị cáo là phải chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án. Việc áp giải bị cáo thực hiện theo quy định tại Điều 127 BLTTHS 2015 (khoản 3).