Xác nhận hoàn tất chuyển nhượng, tặng cho cổ phần
Xác nhận hoàn tất chuyển nhượng, tặng cho cổ phần
Theo quy định tại khoản 3, khoản 5 điều 51 nghị định 78/2015/NĐ-CP về việc thay đổi thông tin cổ đông sáng lập ngoài thông báo về việc thay đổi thông tin doanh nghiệp còn phải nộp các hồ sơ sau:
3. Trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, kèm theo các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này, hồ sơ thông báo phải có:
a) Danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;
b) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
c) Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
5. Việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong trường hợp tặng cho, thừa kế cổ phần được thực hiện như quy định đối với trường hợp thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần quy định tại Khoản 3 Điều này, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng hợp đồng tặng cho cổ phần hoặc bản sao hợp lệ văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp.
Theo quy định này việc chuyển nhượng, tặng cho cổ phần chỉ cần có hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng, tặng cho, nghĩa là trong trường hợp này bạn chỉ cần nộp vào hồ sơ một trong các giấy tờ đã được quy định trên. Theo quy định về hợp đồng tặng cho tài sản tại điều 457 bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Theo quy định này, các nội dung trong hợp đồng do hai bên thỏa thuận và không bắt buộc phải có xác nhận thời gian hoàn tất (chỉ cần ghi thời điểm chuyển giao). Mặt khác tại khoản 2 điều 9 nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định:
Điều 9. Số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Trong trường hợp thực hiện hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh chỉ cần đáp ứng các yêu cầu của nghị định 78/2015/NĐ-CP, các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu thêm hò sơ ngoài các giấy tờ trong hồ sơ theo quy định đều được coi là các trường hợp gây khó dễ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, theo quy định của khoản 7 điều 51 nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về thời gian thông báo cổ đông sáng lập:
7. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Đối với việc thông báo sẽ thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, ngay trên nội dung thông báo doanh nghiệp đã cam kết chịu trách nhiệm về nội dung thông báo này: “Doanh nghiệp cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung Thông báo này.” như vậy khi doanh nghiệp thông báo có thể hiểu là đã có thay đổi mà không nhất thiết phải chứng minh với phòng đăng ký kinh doanh.
Về nguyên tắc giải quyết thủ tục doanh nghiệp tại điều 4 nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về việc giải quyết hò sơ doanh nghiệp như sau:
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chữ ký của những người đại diện theo pháp luật trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý như nhau.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, theo các căn cứ trên có thể thấy việc đưa ra yêu cầu bổ sung của phòng đăng ký kinh doanh đang gây khó dễ cho doanh nghiệp vì phạm quy định tại khoản 3 điều 5 và điều 80 nghị định 78/2015/NĐ-CP, vì vậy bạn có thể làm văn bản khiếu nại thông báo của phòng đăng ký kinh doanh hoặc có các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của đơn vị mình.
Điều 5. Quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp của người thành lập doanh nghiệp
3. Nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp.
Điều 80. Xử lý vi phạm, khen thưởng
1. Cán bộ, công chức yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, đặt thêm các thủ tục, điều kiện đăng ký doanh nghiệp trái với Nghị định này; có hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp, trong kiểm tra các nội dung đăng ký doanh nghiệp thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cán bộ làm công tác đăng ký doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao được khen thưởng theo quy định.