Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Xưởng của tôi chuyên gia công đồ gỗ. Công ty X đặt ở xưởng tôi 100 bộ bàn ghế bằng gỗ hẹn vào ngày 21/10 đến lấy. Nhưng đến tận ngày 23 công ty X vẫn không đến lấy, tối ngày 23 xưởng tôi bị cháy và hư hỏng hết hơn 50 bộ bàn ghế gia công cho công ty X. Vậy Luật sư cho tôi hỏi: số bộ bàn ghế bị cháy do bên nào chịu trách nhiệm?
Luật sư tư vấn:
Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công được pháp luật quy định tại điều 548 BLDS như sau:
“ Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.”
Nguyên tắc xác định chịu rủi ro là chủ sở hữu phải chịu thiệt hại. Hợp đồng gia công dựa trên nguyên tắc này xác định trách nhiệm chịu rủi ro như sau:
– Nếu không có thỏa thuận thì bên nào cung cấp nguyên vật liệu, bên đó sẽ phải gánh chịu rủi ro.
Trường hợp nguyên vật liệu do bên nhận gia công cung cấp thì bên nhận gia công chịu rủi ro đến khi chuyển giao tài sản cho bên đặt gia công.
– Trách nhiệm chịu rủi ro đối với sản phẩm gia công, nếu bên nhận gia công chậm tiếp nhận sản phẩm gia công thì phải chịu rủi ro trong thời hạn chậm nhận kể cả đối với nguyên vật liệu thuộc về bên nhận gia công.
Do đó, trong trường hợp này, nếu không có thỏa thuận về việc chậm nhận sản phẩm gia công thì công ty X phải chịu rủi ro trong quá trình chậm nhận.