Tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc theo quy định pháp luật hiện hành – 19008916
Tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc là hai giai đoạn khác nhau của tội phạm. Cùng Luật Mai Phong tìm hiểu về quy định về tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc qua bài viết sau đây:
* Quy định của pháp luật về tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc:
Khái niệm tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự hiện hành như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Trong Bộ luật hình sự cũng đưa ra những khái niệm như “chuẩn bị phạm tội”, “phạm tội chưa đạt”, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” nhưng không có một khái niệm nào về tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc. Việc xác định đúng thời điểm tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm hình sự của tội phạm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng phạm, phòng vệ chính đáng.
* Khái niệm tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc như sau:
Tội phạm hoàn thành: là trường hợp hành vi phạm tội thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Có thể hiểu, tội phạm hoàn thành khi hành vi của người phạm tội đã có đủ các dấu hiệu phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội đó. Như vậy, Thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hay chưa. Khi tội phạm hoàn thành thì có thể người phạm tội đã đạt được hoặc chưa đạt được mục đích của mình.
Khi xác định trường hợp phạm tội với lỗi cố ý đã hoàn thành hay chưa, chỉ cần kiểm tra hành vi phạm tội đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm hay chưa. Nếu đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì là tội phạm hoàn thành. Ngược lại, nếu chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội phạm thì tội phạm chưa hoàn thành. Thời điểm tội phạm hoàn thành khi nào tùy thuộc vào việc xây dựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm (Ví dụ: đối với tội cướp tài sản, chỉ cần người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực thì tội phạm được xem là đã hoàn thành; nhưng đối với tội trộm cắp thì tội phạm chỉ được xem là hoàn thành khi người phạm tội đã lấy được tài sản của người khác). Dựa vào đặc điểm của các loại cấu thành tội phạm, có thể rút ra được kết luận về thời điểm hoàn thành của các loại tội có cấu thành vật chất, cấu thành hình thức và cấu thành cắt xén như sau:
– Tội phạm có cấu thành vật chất hoàn thành khi người phạm tội đã gây hậu quả của tội phạm (Ví dụ: đối với tội giết người thì tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người đã xảy ra).
– Tội phạm có cấu thành hình thức hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi phạm tội (Ví dụ: đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội có hành vi bắt cóc, không cần hậu quả chiếm đoạt tài sản xảy ra).
-Tội phạm có cấu thành cắt xén hoàn thành khi người phạm tội đã có những hoạt động bất kì nhằm thực hiện hành vi phạm tội (Ví dụ: đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội có hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, không cần việc thành lập tổ chức đã hoàn thành).
Tội phạm kết thúc: là khi hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt, không còn xảy ra trên thực tế.
Tội phạm kết thúc có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
-Khi người phạm tội đã đạt được mục đích nên dừng việc thực hiện các hành vi phạm tội;
-Khi người phạm tội bị ngăn cản nên không thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội;
– Khi người phạm tội tự ý dừng việc phạm tội.
Như vậy, thời điểm tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Hành vi phạm tội của tội phạm có thể dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và cũng có thể kéo dài qua thời điểm tội phạm hoàn thành (Ví dụ: ở tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi bắt cóc nhưng người phạm tội vẫn chưa đạt được mục đích của mình nên tội phạm vẫn tiếp tục xảy ra).
Việc áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định đồng phạm và quyền phòng vệ chính đáng đều dựa vào thời điểm tội phạm kết thúc và hoàn toàn không phụ thuộc vào thời điểm tội phạm hoàn thành.