Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Con tôi và mấy đứa trẻ trong xóm sang nhà ông B chơi và mấy đứa nghịch ngợm tháo cửa lồng chim làm mấy con chim cảnh nhà ông B bay mất. Sau đó nhà ông B sang nhà tôi đòi bồi thường. Vậy theo quy định pháp luật, con tôi phải bồi thường như thế nào? Hiện nay con tôi 14 tuổi.
Luật sư tư vấn:
Khi nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong những người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
1.Con chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại
Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Vì con bạn mới 14 tuổi, do đó theo quy định tại khoản 2 Điều trên thì cha mẹ phải đứng ra bồi thường toàn bộ thiệt hại do con gây ra. Do đó, thiệt hại của nhà ông B do cháu gây ra thì anh chị phải có trách nhiệm bồi thường.
Thứ hai: Thiệt hại của nhà bà Hồng là do nhiều người gây ra
Theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồì thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”Khi xác định trách nhiệm liên đới của nhiều người cần phải xem xét các điều kiện sau:
Thứ nhất: Có hành vi gây thiệt hại của nhiều người. Trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại thì bên bị thiệt hại có thể là một người hoặc nhiều người, tuy nhiên bên gây ra thiệt hại phải là nhiều người cùng gây thiệt hại (tối thiểu phải có hai người). Hành vi gây thiệt hại của nhiều người phải là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Thứ hai: Những người gây ra thiệt hại có sự thống nhất ý chí hoặc cùng gây ra hậu quả.
Thứ ba: Những người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại đều có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Lỗi là thái độ chủ quan của người gây thiệt hại, là sự thể hiện ý chí của người đó khi thực hiện hành vi gây thiệt hại. Về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi họ có lỗi, tức là có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Do vậy, nếu nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại mà trong đó có người không có khả năng nhận thức hoặc hành vi của mình thì họ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Thứ tư: Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của những người cùng gây thiêt hại với hậu quả xảy ra. Hành vi hây thiệt hại của những người cùng gây thiệt hại có thể khác nhau về mức độ nhưng cùng đem lại hậu quả gây thiệt hại cho người khác. Thiệt hại xảy ra chính là kết quả trực tiếp, tất yếu từ những hành vi của những người gây ra thiệt hại.
Theo thông tin bạn cung cấp thì có nhiều cháu gây ra thiệt hại cho nhà ông B, do đó các cháu phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.
Trách nhiệm bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì mỗi cháu phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Nếu cháu dưới 15 tuổi như con chị thì bố mẹ các cháu phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ hoặc theo như quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.