Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp

Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp

By admin - Tháng Mười 29, 2018

Khách hàng có một câu hỏi như sau: Trong phiên tòa sơ thẩm do người thân người bị hại không đồng ý với quyết định của thẩm phán vì cho rằng mức án quá nhẹ đối với bị cáo nên đã có những lời khiếm nhã với Thẩm phán. Vậy trong trường hợp này có bị xử phạt không ?

Luật sư tư vấn:

Điều 391 Bộ luật Hình sư năm 2015 quy định về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp:

“1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;

b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này”.

Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xét xử.

Mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau tại phiên tòa, phiên họp:

Thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp. Thóa mạ là thốt ra những lời xúc phạm nặng nề để sỉ nhục người khác, thể hiện qua những lời nói, cử chỉ, hành động đối với Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia phiên tòa. Như vậy, dù là lời nói xúc phạm danh dự của ai nhưng diễn ra tại phiên tòa, phiên họp thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Hành vi đập phá tài sản: người phạm tội này thực hiện các hành vi như đập phá bàn ghế, đập phá cở sở của Tòa án mà chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015.

– Thực hiện các hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, những người khác có mặt tại phiên tòa, phiên họp.

Chủ thể của tội phạm:

Thứ nhất, Chủ thể của tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.

Thứ hai, phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được chia như sau:

+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ các quy định khác.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, mục đích và động cơ. Các hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản là biểu hiện của lỗi cố ý, dù người phạm tội nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.

Trong trường hợp này, những người có những lời lẽ khiếm nhã đối với Thẩm phán xét xử sơ thẩm cần phải xem xét những lời nói đó có xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán đó hay không. Chẳng hạn như nói Thẩm phán đó không có chuyên môn, nhận hối lộ… thì người có những lời lẽ khiếm nhã đó đã được nhắc nhở một vài lần tuy nhiên vẫn không chấm dứt hành vi của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp. Và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội gây ra, người đó có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc là bị phạt tù.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *