QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của công ty luật Mai Phong. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Bộ Luật Dân sự 2015.
Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài
Theo Điều 129 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân;
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng của người quy định tại khoản 1 Điều này là cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú” (Điều 129).”
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Như vậy, nếu bạn là người có yêu cầu cấp dưỡng sau ly hôn, việc cấp dưỡng sẽ được thực hiện theo pháp luật Việt Nam. Khi đó, cơ quan giải quyết đơn yêu cầu này sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Còn trong trường hợp nếu chồng bạn là người trực tiếp nuôi con và là người có yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn thì việc cấp dưỡng sẽ được thực hiện theo pháp luật của nước nơi chồng bạn cư trú. Nếu chồng bạn cư trú tại Việt Nam thì tuân theo pháp luật Việt Nam còn chồng bạn không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi chồng bạn là công dân để giải quyết vấn đề cấp dưỡng này.
Thẩm quyền giải quyết về nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài
Tại Điểm b Khoản 2 Và Khoản 3 Điều 35 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
“2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
…
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;
…
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”
Và tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
…
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.”
Theo như quy định tại Điều 37 thì tranh chấp tại Khoản 3 Điều 35 thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy chiếu theo quy định này thì tranh chấp về cấp dưỡng mà có đương sự, tài sản ở nước ngoài hay cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nếu không thuộc trường hợp giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Do đó trong trường hợp của bạn Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết.