Phiên tòa xét xử nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình có nhiều vấn đề “nóng”

Phiên tòa xét xử nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình có nhiều vấn đề “nóng”

By admin - Tháng Sáu 25, 2018
 Phiên tòa xét xử nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình có nhiều vấn đề “nóng”
 
Hôm nay, TAND TP Hồ Chí Minh bắt đầu phiên toà 5 ngày xét xử vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát đặt tại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Vấn đề mà phiên toà này cần làm rõ là việc xây dựng phương án tái cơ cấu Trustbank không đúng hay quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm có thiếu sót dẫn đến Phạm Công Danh lộng quyền, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Trustbank?

Các bị cáo bị truy tố như thế nào?

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hồ Chí Minh, phiên toà có 5 bị cáo là ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Hà Tấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Long An; Lê Văn Thanh, nguyên Chánh thanh tra NHNN chi nhánh Long An; Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Tổ giám sát và Ngô Văn Thanh, tổ viên Tổ giám sát.

Theo cáo trạng ngày 20/3/2018 của VKSNDTC, các bị cáo là ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là các thành viên của Tổ giám sát thuộc NHNN đặt tại Trustbank (sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng), được quyền tiếp cận không hạn chế các tài liệu, hồ sơ, thông tin của Trustbank; được yêu cầu ngân hàng này báo cáo về mọi hoạt động. Quyền hạn của Tổ giám sát đã được quy định trong quyết định thành lập là rất rộng nhằm kiểm soát hoạt động của Trustbank theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, các thành viên nêu trên của Tổ giám sát đã “thụ động” và không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao, để cho Phạm Công Danh và đồng phạm tuỳ tiện rút tiền, sử dụng tiền trái pháp luật mà không có biện pháp ngăn chặn. 

Ông Hà Tấn Phước bị quy kết đã thiếu trách nhiệm để Phạm Công Danh rút gần 3.500 tỷ đồng khỏi Ngân hàng Xây dựng, không thu hồi được. Tương tự, ông Lê Văn Thanh bị quy kết đối với số tiền bị Phạm Công Danh rút khỏi Ngân hàng Xây dựng là hơn 6.500 tỷ; Phạm Thế Tuân chịu trách nhiệm đối với hơn 3.400 tỷ còn Ngô Văn Thanh bị quy kết trách nhiệm đối với hơn 10 nghìn tỷ mà Phạm Công Danh đã rút khỏi Ngân hàng Xây dựng.

Theo quyết định của NHNN về việc thành lập Tổ giám sát đặt tại Trustbank thì Tổ giám sát thực hiện việc giám sát chặt chẽ hoạt động của Trustbank nhằm tăng cường việc kiểm soát của NHNN đối với ngân hàng yếu kém. Như vậy, việc 4 cán bộ của Tổ giám sát bị quy kết là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động của Trustbank. 

Khác với các thành viên của Tổ giám sát, nguyên Phó Thống đốc ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố bổ sung vào cuối năm 2017 khi VKSNDTC cho rằng, ông Đặng Thanh Bình có bút phê chỉ đạo không kiểm tra năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư do Phạm Công Danh đại diện, dẫn đến việc Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu, trở thành Chủ tịch HĐQT của Trustbank rồi sử dụng ngân hàng này như công cụ để thực hiện vi phạm, gây thiệt hại cho chính Trustbank.

Những vấn đề sẽ “hâm nóng” phiên toà

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình thì các bị cáo trong vụ án này đều kêu oan. Trong quá trình bị khởi tố, các thành viên Tổ giám sát cũng đã trình bày ý kiến cho rằng, những dấu hiệu vi phạm đã được báo cáo lên cấp trên và đề nghị thanh tra đột xuất đối với Trustbank. Tuy nhiên, đề xuất đã không được chấp thuận kịp thời mới dẫn đến việc Phạm Công Danh vi phạm liên tục và kéo dài và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, trong văn bản kiến nghị gửi VKSNDTC, ông Bình cũng cho rằng, VKSNDTC đã hiểu không đúng đối với nội dung bút phê chỉ đạo của ông dẫn đến việc quy kết ông chỉ đạo không kiểm tra năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư Phạm Công Danh và truy tố ông về tội “Thiếu trách nhiệm” là không đúng thực tế công tác của ông.

Cụ thể, trong Tờ trình số 1340, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề xuất Thống đốc NHNN cho áp dụng điều kiện đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng đang hoạt động là Trustbank như điều kiện đối với người thành lập mới ngân hàng. Theo đó, nhóm nhà đầu tư mới phải cam kết không sử dụng vốn vay, vốn uỷ thác để mua cổ phần theo phương án tái cơ cấu Trustbank. Ông Đặng Thanh Bình đã bút phê chỉ đạo trên tờ trình này với nội dung “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này. Cần xem xét và đề xuất cách làm để bảo đảm thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như của chính NHNN”.

Trong cáo trạng truy tố ông Đặng Thành Bình, VKSNDTC cho rằng, với nội dung bút phê “việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này” là ông Bình đã chỉ đạo không kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, dẫn đến việc nhóm này không có năng lực tài chính nhưng vẫn được tham gia tái cơ cấu Trustbank. Đây là cơ sở để VKSNDTC truy tố đối với ông Đặng Thanh Bình. 

Ngược lại, ông Đặng Thanh Bình lại khẳng định, nội dung bút phê trên là chỉ đạo kiểm tra nguồn tiền khi nhóm nhà đầu tư mới thực hiện mua cổ phần của nhóm cổ đông Phú Mỹ và mua cổ phần khi Trustbank tăng vốn, nhằm đảm bảo tiền mua cổ phần (tức là vốn góp) của nhóm nhà đầu tư mới là tiền thuộc sở hữu của họ, không phải là tiền đi vay hoặc nhận uỷ thác theo đúng như đề xuất của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong Tờ trình 1340. Bút phê này không phải là ý kiến chỉ đạo đánh giá hay không đánh giá năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, bởi lẽ việc đánh giá năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư này đã được thực hiện ngay từ khi xây dựng phương án tái cơ cấu và được chỉ đạo liên tục trong suốt quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu Trustbank. 

Nội dung bút phê của ông Đặng Thanh Bình trên Tờ trình 1340 sẽ là vấn đề “đốt nóng” phiên toà, bởi cách hiểu nội dung bút phê này như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định trách nhiệm của nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình.

Vụ án có 5 bị cáo nhưng lại ở hai nhóm nhiệm vụ rất khác nhau. Ông Đặng Thanh Bình làm công tác lãnh đạo nhưng lại ra toà cùng những công chức làm công tác kiểm tra, giám sát. Vậy, để xảy ra việc Phạm Công Danh lợi dụng được tham gia tái cơ cấu Trustbank và sử dụng Trustbank như công cụ để vi phạm có nguyên nhân do lỗi của những công chức thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động ngân hàng hay lỗi thuộc về những người có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo thực hiện phương án tái cơ cấu Trustbank. Đây là câu hỏi lớn nhất cần trả lời trong phiên toà này. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *