MAI PHONG LAWFIRM – Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau ly hôn? Xử lý hành vi vi phạm quy định về cấp dưỡng.
Cấp dưỡng khi ly hôn là việc người cha hoặc người mẹ sau khi ly hôn đóng góp bằng tiền hoặc tài sản để hỗ trợ người còn lại trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung của họ nếu con chung đó là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Việc cấp dưỡng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con khi không trực tiếp sống chung với người cha hoặc người mẹ – là người cấp dưỡng.
Vậy nghĩa vụ cấp dưỡng của cha/mẹ – người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn được quy định như thế nào? Trong trường hợp không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn sẽ phải chịu hậu quả ra sao? Qua bài viết dưới đây, MAI PHONG LAWFIRM sẽ cho bạn đọc biết thêm những thông tin về vấn đề này.
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau ly hôn:
Căn cứ khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Như vậy, trong quá trình giải quyết ly hôn nếu bạn không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên đến khi thành niên (18 tuổi) hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì trách nhiệm cấp dưỡng sẽ là không thời hạn.
Trong trường hợp, người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
2. Không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn có thể bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ tại Điều 57 Nghị định 144/2021/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:
“Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tiếp đó, căn cứ tại Điều 186 Bộ luật Hình sự được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự có quy định:
“Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, trong trường hợp nếu người không trực tiếp nuôi con phủ nhận trách nhiệm, không cấp dưỡng cho con có thể sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và nếu nặng hơn sẽ bị phạt tù cao nhất lên đến 02 năm.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi, hướng dẫn, thực hiện thủ tục liên quan, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline: 097. 420. 6766