MAI PHONG LAWFIRM – Che giấu tội phạm và không tố giác tội
“Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” là những tội phạm có điểm tương đồng tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt. Dưới đây là một số vấn đề pháp lý giúp phân biệt “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”.
Tội che giấu tội phạm được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) như sau:
“Điều 18. Che giấu tội phạm:
1, Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2, Người Che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”
Biểu hiện của hành vi: Cho người phạm tội trốn trong nhà mình hoặc nơi khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che giấu người phạm tội; Giấu vết, tang vật của tội phạm; Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ giấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…
Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như sau:
“Điều 19. Không tố giác tội phạm
1, Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2, Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3, Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Chủ thể ở trường hợp này là người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Biểu hiện của hành vi là không tố giác tội phạm dù biết rất rõ về tội phạm.
1, Điểm giống nhau:
– 02 tội phạm này đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
– 02 tội phạm này đều có điều khoản miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng là người thân thích của người có hành vi phạm tội nhưng không bị tố giác hoặc phát hiện. Đối tượng có thể được miễn trách nhiệm cho 02 tội phạm này là: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
2, Điểm khác nhau:
Bên cạnh các điểm tương đồng, tội “Che giấu tội phạm” và tội “Không tố giác tội phạm” cũng có những điểm phân biệt như sau:
a, Nhận thức của người phạm tội:
– Che giấu tội phạm: Không biết trước hành vi phạm tội và cũng không có hứa hẹn gì với người thực hiện hành vi phạm tội.
– Không tố giác tội phạm: Biết rõ hành vi phạm tội đã, đang hoặc sẽ được thực hiện nhưng vẫn không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
b, Thời điểm phạm tội:
– Che giấu tội phạm: Sau khi biết hành vi tội phạm đã được thực hiện.
– Không tố giác tội phạm: Bất cứ giai đoạn nào của một hành vi tội phạm khác (đã, đang hoặc sẽ được thực hiện).
c, Miễn trách nhiệm:
– Che giấu tội phạm: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu TNHS. Trừ che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự 2015.
– Không tố giác tội phạm: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu TNHS. Người bào chữa không phải chịu TNHS do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia nhiệm vụ bào chữa.
Lưu ý: Nếu 02 đối tượng nêu trên che giấu tội phạm thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ không được miễn TNHS. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn TNHS.
e, Mức phạt:
– Che giấu tội phạm: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn).
– Không tố giác tội phạm: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi, hướng dẫn, thực hiện thủ tục liên quan, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn
chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline: 097. 420. 6766