HẠN CHẾ QUYỀN CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC
MAI PHONG LAWFIRM- Hạn chế quyền của người lập di chúc
Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Nguyên tắc chủ đạo và xuyên suốt của luật dân sự là tự do, tự nguyện, do đó pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản. Tuy nhiên, sự “tự do” đó phải trong khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với quy định của pháp luật, vậy nên, quyền định đoạt của người lập di chúc sẽ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:
– Thứ nhất, phải dành một phần di sản cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Điều luật quy định một số người thừa kế luôn có quyền hưởng một phần di sản nhất định mà không phụ thuộc vào việc người lập di chúc có cho họ hưởng hay không.
– Thứ hai, hạn chế trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.
Theo cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định phần đó tỷ lệ là bao nhiêu so với giá trị khối tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản vào việc thờ cúng của người lập di chúc bằng việc quy định: “2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.” (Khoản 2 Điều 645 Bộ luật dân sự 2015). Theo quy định trên dù người lập di chúc đã thể hiện ý chí dành một phần di sản của mình vào việc thờ cúng nhưng ý chí đó không được pháp luật thừa nhận nếu những phần tài sản còn lại không đủ thanh toán nghĩa vụ tài sản.
– Thứ ba, hạn chế việc để lại di tặng.
Mặc dù dành cho người để lại di sản quyền để lại di sản để di tặng nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các chủ nợ của người để lại di sản, pháp luật có quy định: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.” (Khoản 3 Điều 646 Bộ luật Dân sự 2015). Quy định này là một sự hạn chế của pháp luật đối với quyền dùng di sản để di tặng.
– Thứ tư, hạn chế trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
Điều 637, Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
“Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận,trừ trường hóp có thỏa thuận khác.”
Theo khoản 3 Điều 637 này thì người lập di chúc chỉ có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản được nhận, nếu vượt quá phạm vi đó thì phần vượt quá sẽ vô hiệu, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ phần vượt quá đó. Nghĩa vụ được xem xét ở đây chỉ là nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766