Giới hạn xét xử trong BLTTHS năm 2015
Giới hạn xét xử trong BLTTHS năm 2015
Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định như sau:
“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
So với Điều 196 BLTTHS năm 2003 thì Điều 298 BLTTHS năm 2015 bổ sung khoản 3. Quy định mới đã mở rộng phạm vi xét xử cho phép Tòa án được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn so với tội danh mà VKS truy tố. Tuy nhiên, để Tòa án xét xử về tội danh nặng hơn so với tội danh mà VKS đã truy tố thì Tòa án phải trả hồ sơ để VKS truy tố lại, nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn. Với quy định mới nêu trên, vấn đề đặt ra là Tòa án sơ thẩm có quyền thay đổi nội dung truy tố của VKS hay không?
Để bảo đảm quyền bào chữa và thời gian chuẩn bị bào chữa tốt nhất thì trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu xét thấy phải xét xử tội danh khác nặng hơn thì Thẩm phán nên tổ chức phiên họp “trù bị” hoặc “phiên tòa sơ bộ” với sự có mặt của Kiểm sát viên, của người bào chữa và những người tham gia tụng khác nhằm kiểm tra lại toàn bộ hành vi và hậu quả mà bị cáo đã thực hiện, kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, điều tra bổ sung theo quyết định trả hồ sơ của Tòa án… Trên cơ sở đó, Thẩm phán quyết định đưa ra xét xử bị cáo theo tội danh và điều luật nào, có thể giống hoặc khác tội danh mà VKS đề nghị truy tố. Phiên họp “trù bị” hoặc “phiên tòa sơ bộ” sẽ góp phần khắc phục giải quyết được bất cập về giới hạn xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 khi phải xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố, qua phiên họp “trù bị” hoặc “phiên tòa sơ bộ” bị cáo, người bào chữa biết được quan điểm của Toà án và có ý kiến về tội danh mà Toà án sắp đưa ra xét xử từ đó có đầy đủ thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa. Đồng thời góp phần đảm bảo cho việc xét xử đúng người đúng tội, kéo giảm tỷ lệ án huỷ, tránh tình trạng sau xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo kêu oan, đảm bảo công bằng và chính xác khi xét xử.