Điều kiện lao động đối với lao động giúp việc gia đình

Điều kiện lao động đối với lao động giúp việc gia đình

By admin - Tháng Mười 16, 2018

1.Về tiền lương đối với lao động giúp việc gia đình

Đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam, tiền lương được cụ thể hóa tại khoản 3 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2012: “Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở” để làm cơ sở thực hiện việc trả lương cho người lao động giúp việc gia đình.

Điều 15 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định khá cụ thể về mức tiền lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương. Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

Thông thường, nơi ở và với chi phí ăn uống được kết hợp hàng ngày cùng với gia đình và vì vậy những nguy cơ cho tình trạng lạm dụng, không xác định rõ ràng giữa lương và chi phí ăn ở khi thoả thuận hợp đồng có thể sẽ xảy ra gây bất lợi cho người lao động. Việc xác định tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng đảm bảo sự bình đẳng trong tương quan về quyền lợi với các lao động khác khi lao động giúp việc gia đình vẫn thường được xếp vào nhóm lao động dễ bị trả lương thấp hơn.

Đối với hình thức và thời hạn trả lương, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định do hai bên thỏa thuận. Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động mở tài khoản ngân hàng. Các loại phí liên quan đến mở, duy trì tài khoản do hai bên thỏa thuận. Người sử dụng lao động không được thu phí chuyển khoản tiền lương vào tài khoản của người lao động.

Tương tự quy định về tiền lương ngừng việc đối với các quan hệ lao động nói chung, nghĩa vụ trả lương cho lao động giúp việc gia đình cũng đặt ra cho người sử dụng lao động. Tùy thuộc vào các trường hợp ngừng việc mà người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ hoặc không trả lương cho lao động giúp việc gia đình. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, trường hợp không do lỗi của người sử dụng lao động, người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ.

2. Về thời giờ làm việc nghỉ ngơi và an toàn, vệ sinh lao động của lao động giúp việc gia đình

Với đặc thù riêng về công việc, lao động giúp việc gia đình có thời giờ làm việc gắn liền với sinh hoạt của hộ gia đình, vì vậy, bên cạnh những quy định chung về thời giờ làm việc nghỉ ngơi, pháp luật cũng có những quy định riêng cho đối tượng này.

Thực tế cho thấy, các công việc giúp việc gia đình là những công việc nhỏ nhặt, thường xuyên và không tên có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong sinh hoạt gia đình nên thời gian của lao động giúp việc gia đình có thể không kéo dài liên tục mà xen kẽ giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, khó có thể phân định rạch ròi.

Về an toàn và vệ sinh lao động, pháp luật lao động cũng quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình.

Ngoài ra, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi lao động giúp việc gia đình bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đó là cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo, thông báo cho thân nhân của họ biết, thực hiện các trách nhiệm theo quy định chung theo quy định của pháp luật lao động. Trường hợp lao động giúp việc gia đình có tham gia bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động phải thanh toán chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp lao động giúp việc gia đình không tham gia bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến điều trị ổn định (Điều 25 Nghị định  số 27/NĐ-CP và Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2012).

3. Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động giúp việc gia đình

Theo khoản 2 Điều 181 Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, đa phần lao động giúp việc gia đình không thỏa thuận với chủ nhà về quyền lợi này khi giao kết hợp đồng, thậm chí có nhiều người không nhận thức được quyền lợi của họ trong quan hệ lao động này. Đa số những người lao động giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế là do tự mua hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả, hỗ trợ phí tham gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *