GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TỪ QUAN HỆ THỪA KẾ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
By admin - Tháng Ba 25, 2020
* Thứ nhất, thừa kế theo pháp luật
Theo tư pháp quốc tế Việt Nam
Việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ thừa kế theo pháp luật Việt Nam về cơ bản phải dựa vào Bộ luật dân sự 2015 và các Điều ước quốc tế (Hiệp định tương trợ tư pháp song phương) mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài trong đó có điều chỉnh vấn đề thừa kế. Cụ thể như sau:
– Trường hợp có điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài:
+) Nếu di sản thừa kế là động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người để lại động sản thừa kế là công dân vào thời điểm người đó chết. Nếu di sản thừa kế là bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản thừa kế.
+) Việc phân biệt di sản thừa kế là Động sản hay Bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có di sản thừa kế đó.
– Trường hợp không có điều ước quốc tế: áp dụng Điều 680 BLDS 2015:
” Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”
* Thứ hai, thừa kế theo di chúc
– Xác định pháp luật điều chỉnh vấn đề thừa kế theo di chúc trước tiên cần dựa vào các hiệp định tương trợ tư pháp song phương mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài.
+) Đối với hình thức di chúc: về cơ bản các hiệp định đều quy định hình thức của di chúc của công dân nước ký kết này được coi là hợp pháp theo pháp luật của nước ký kết kia, nếu di chúc đó được lập, hủy bỏ phù hợp với pháp luật của nước ký kết nơi lập, hủy bỏ di chúc đó hoặc phù hợp với pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm lập, hủy bỏ di chúc hoặc thời điểm người đó chết hoặc phù hợp với pháp luật của nước ký kết nơi người để lại di sản cư trú trong thời gian lập, hủy bỏ di chúc ngay trước khi chết.
+) Về năng lực lập, hủy bỏ di chúc và hậu quả pháp lý của những sai sót về thể hiện ý chí của những người để lại di chúc được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người lập, hủy bỏ di chúc là công dân vào thời điểm lập, hủy bỏ di chúc đó.
+) Ngoài ra các hiệp định tương trợ tư pháp cũng có các quy định điều chỉnh vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết các vấn đề thừa kế và một số vấn đề khác.
– Trường hợp không có điều ước quốc tế điều chỉnh, xác định pháp luật giải quyết vấn đề di chúc cần căn cứ vào Điều 681 BLDS 2015:
“Điều 681. Di chúc
1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản”