Bố mẹ đã qua tuổi nghỉ hưu, con cái có phải là lao động chính trong gia đình không?
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu, theo đó:
(1) Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
(2) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản (1) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(3) Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản (1) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, độ tuổi của người lao động năm 2024 như sau:
– Đối với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
– Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất của lao động nam là 56 tuổi, lao động nữ là 51 tuổi 4 tháng.
– Đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt thì độ tuổi nghỉ hưu cao nhất là 66 tuổi đối với lao động nam và 61 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, tạm hoãn nghĩa vụ đối với những công dân sau:
“Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”
Như vậy, để được công nhận là lao động duy nhất trong gia đình và hưởng các chính sách hỗ trợ tương ứng, con cần phải trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng bố mẹ đã mất hoàn toàn khả năng lao động, không thể tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày và cần người khác hỗ trợ thường xuyên. Trách nhiệm này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vật chất mà còn bao gồm việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần và các nhu cầu thiết yếu khác của người già. Ngoài trường hợp bố mẹ, con cũng có thể được xem xét nếu phải trực tiếp nuôi dưỡng các thành viên khác trong gia đình như ông bà, anh chị em ruột không có khả năng lao động và không có người khác phụng dưỡng.