Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

By admin - Tháng Mười 16, 2018

Khách hàng có hỏi một câu như sau: Gia đình tôi có một đàn trâu thường chăn thả ở ngọn núi sau nhà. Đến tháng 11/2017 tôi phát hiện đàn trâu nhà tôi bị mất 01 con, gia đình tôi có tổ chức đi tìm nhưng không tìm được. 8 tháng sau, tôi phát hiện con trâu nhà tôi ở trong chuồng nhà ông A ( vì trâu nhà tôi có đeo cái chuông để nhận biết ). Tôi đề nghị ông A trả con trâu lại cho tôi nhưng ông A nói ông đã báo chính quyền địa phương và không có ai nhận và giờ con trâu đó thuộc về gia đình ông A. Luật sư cho tôi hỏi tôi có đòi được con trâu đó không ?

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật TNHH Mai Phong, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc. Cụ thể:

“Điều 231. Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.”

Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng về việc chăn thả đàn trâu của mình có phải hình thức thả rông theo tập quán hay không nên không khẳng định chắc chắn cho bạn được ai là chủ sở hữu hợp pháp đối với con bò. VD: theo tập quán thì đối với gia súc ở địa phương bạn sẽ được thả theo từng đàn có chủ sở hữu nhưng không trực tiếp trông coi liên tục như sáng thì lùa đàn đi và tối thì đến lùa đàn gia súc về nhà mà chỉ thỉnh thoảng mới chăm nom. Do đó có hai trường hợp để bạn đối chiếu giải quyết phù hợp với quy định pháp luật:

+ Trường hợp 1: Tháng 11/2017 gia đình bạn phát hiện mất một con trâu không phải gia súc thả rông theo tập quán, 08 tháng thấy con trâu của mình ở trong trang trại nhà ông A. Tuy nhiên, nếu ông A chứng minh được từ thời điểm trâu đi lạc vào trang trại mình đã trình báo tới Uỷ ban nhân dân để tìm chủ sở hữu và tính đến thời điểm hiện nay đã là 8 tháng thì mặc nhiên con trâu sẽ thuộc sở hữu của của ông A.

+ Trường hợp 2: Con trâu mà gia đình bạn mất là trong quá trình chăn thả theo hình thức thả rông tập quán thì do tính từ thời điểm mất tới tới thời điểm phát hiện ra mới 8 tháng mà theo quy định thời hạn tối đa là 1 năm. Nên trong trường hợp này, bạn vẫn được xác định là chủ sở hữu với con trâu; đối với ông A, ông A có trách nhiệm trả lại con trâu cho gia đình bạn nhưng gia đình bạn có nghĩa vụ thanh toán tiền công nuôi dưỡng và các chi phí phát sinh trong thời gian 8 tháng vừa rồi cho ông A. Ngoài ra, đối với con nghé được sinh trong thời gian ông A nuôi dưỡng thì có quyền được hưởng một nửa trong đó nếu chỉ có một con nên hai bên tự thương lượng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết theo hướng xác định giá trị của con nghé để chia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *