Trả tiền thừa bằng kẹo có sai luật không? Điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực là gì?
Tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
Như vậy, giao dịch dân sự có hiệu lực là giao dịch dân sự hợp pháp, dựa trên sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ đầy đủ tất cả các điều kiện:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Giao dịch dân sự không đáp ứng được một trong các điều kiện trên sẽ dẫn đến vô hiệu.
Do đó, pháp luật không có quy định nào cấm việc trả tiền thừa bằng kẹo cho khách hàng. Việc trả tiền thừa bằng kẹo được xem là một giao dịch dân sự và một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là hai bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Cho nên, nếu bên bán trả tiền thừa bằng kẹo và bên mua đồng ý nhận, đồng thời bên bán không thu lợi bất chính từ việc trả tiền thừa bằng kẹo thì giao dịch dân sự đó có hiệu lực (không tính đến các điều kiện khác) và hoàn toàn đúng pháp luật.
Tuy nhiên, nếu bên mua không đồng ý với việc nhận tiền thừa bằng kẹo của bên bán thì bên mua hoàn toàn có quyền từ chối nhận và yêu cầu bên bán trả lại số tiền thừa bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo thỏa thuận của hai bên.