Điều kiện để nghị quyết được thông qua

Điều kiện để nghị quyết được thông qua

By admin - Tháng Sáu 15, 2018

Trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, “Đại hội đồng cổ đông” (ĐHĐCĐ) sẽ bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Theo đó, ĐHĐCĐ sẽ có các quyền sau đây: Thông qua định hướng phát triển của công ty; quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên; quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác; quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;….

Và để thực hiện hóa các quyền hạn như đã ghi nhận ở trên thì ĐHĐCĐ sẽ tiến hành họp, thông qua nghị quyết. Theo quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, về ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA sẽ được chia thành 04 trường hợp khác nhau như sau:

*TH1: Nghị quyết được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định khi quyết định về nội dung sau đây:

a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;

e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

*TH2: Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

*TH3Bầu dồn phiếu

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

*TH4: Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì chúng ta thấy rằng pháp luật đã chia việc ra quyết định của ĐHĐCĐ thành bốn trường hợp khác nhau, quy định tại bốn khoản khác nhau và tương ứng với chúng là với bốn cách thức ra quyết định khác nhau. Và trong đó, “Bầu dồn phiếu” được xem là cách thức bầu cử độc đáo trong công ty cổ phần. Bầu dồn phiếu được coi là công cụ pháp lý quan trọng và riêng có của công ty cổ phần giúp bảo vệ các cổ đông nhỏ bởi mục đích cơ bản của việc bầu dồn phiếu chính là tăng cường sự hiện diện của các cổ đông thiểu số trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần, đảm bảo điều hoà được quyền hành và kiểm soát công ty giữa các nhóm cổ đông với nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được bầu dồn phiếu là như thế nào? Bầu dồn phiếu ưu việt thế nào so với cách thức bầu thông thường để nói rằng phương thức bầu dồn phiếu giúp bảo vệ cổ đông nhỏ.

Lưu ý:

– Thứ nhất: Cách thức bầu dồn phiếu chỉ đặt ra đối với việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

– Thứ hai: Khác với Luật Doanh nghiệp 2005 là việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát luôn bắt buộc phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu thì với quy định mới tại khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 lại quy định: Nếu điều lệ công ty không quy định khác việc biếu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu. Như vậy, theo quy định mới, công ty cổ phần có thể tiến hành việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát không qua phương thức bầu dồn phiếu nếu Điều lệ công ty có quy định khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *