Mang thai hộ: con sinh ra là con của ai
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Theo đó, ta thấy rằng, vì một lý do nào đó mà cặp vợ chồng không sinh được con thì họ sẽ nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ cũng phải là người thân thích của mỗi bên vợ/chồng.
Chúng ta có thể thấy, xét về mặt khoa học, thì mang thai hộ là việc lấy noãn của người vợ, và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó mới cấy vào trong tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai mà sinh con. Do đó, con sinh ra là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ bởi đó là noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng đó, đã được thụ tinh, rồi mới cấy vào tử cung của người khác, vì người mẹ không có khả năng mang thai hoặc nhiều lý do khác. Con sinh ra sẽ có đặc điểm, hình dạng cũng như các yếu tố sinh học giống với bố, mẹ ( người nhờ mang thai), người mang thai hộ không phải là mẹ của đứa trẻ đó. Đó là về mặt sinh học, còn về mặt Pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã có quy định về việc xác định cha, mẹ khi mang thai hộ như sau:
“Điều 94. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”
Do đó, Pháp luật cũng đã thừa nhận con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ, chồng nhờ mang thai hộ, không phải con của người mang thai hộ.