Trường hợp nào phải giám định mức suy giảm khả năng lao động
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Bố tôi bị tai nạn lao động. Luật sư cho tôi hỏi trường hợp nào người lao động phải giám định mức suy giảm khả năng lao động? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Khoản 1, Khoản 3, Điều 47 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
– Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.
– Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Người lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định (quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này) được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo quy định nêu trên, sau thương tật đã được điều trị ổn định mà còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, người lao động bị tai nạn lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động. Kết luận Giám định của Hội đồng giám định y khoa về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được dùng làm căn cứ để:
– Người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra hoặc trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra.
– BHXH trả trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 49 Luật này.
Khoản 3, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
Khoản 1, Điều 54 Luật này quy định, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức người lao động được hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Không thấy có quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người lao động bị tai nạn trong khoảng thời gian từ khi đã điều trị ổn định mà còn di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe phải nghỉ việc, đến khi Hội đồng giám định y khoa tiến hành giám định lần đầu.