TRƯỜNG HỢP GIAO DỊCH DÂN SỰ DO NGƯỜI KHÔNG CÓ QUYỀN ĐẠI DIỆN XÁC LẬP, THỰC HIỆN
Luật sư tư vấn:
Từ những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tóm lược lại vụ việc của bạn như sau:
– Chị bạn nói với bạn là muốn mua một chiếc máy tập thể dục nhưng không đề cập về việc nhờ bạn mua hộ như vậy, ở đây, không có việc ủy quyền
– Bạn quyết định mua chiếc máy này cho chị bạn trong khi không có sự ủy quyền, bạn không phải là người đại diện của chị bạn. Do đó, giao dịch mua bán mà bạn thực hiện “thay” chị của bạn được xác định là giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
– Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
– Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
Chị bạn không hề biết bạn mua máy chạy bộ, sau khi biết việc bạn mua chiếc máy chạy bộ này chị bạn cũng không công nhận giao dịch này, do đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.”
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, việc này không làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán tiền mua chiếc máy cho chị bạn, bạn không có quyền yêu cầu chị dâu bạn thanh toán số tiền này cho mình.