Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Thực trạng trên mạng xã hội ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tồn tại nhiều thông tin làm lộ bí mật đời tư của một cá nhân, làm lộ bí mật của một gia đình… ngoài ý chí của cá nhân và những gia đình bị làm lộ. Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân, tự do báo chí… vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Vậy quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được hiểu như thế nào ?
Điều 38 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình để nhằm bảo đảm cho quyền tự do của mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được bảo vệ theo quy định của luật, theo đó:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Cá nhân là một thực thể của tự nhiên và là chủ thể của quan hệ xã hội. Cá nhân với tư cách chủ thể độc lập trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và các quan hệ khác trong phạm vi thời gian và không gian nhất định.
Về đời sống riêng tư của cá nhân: Là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân, không thể trộn lẫn với người khác. Đời sống riêng tư của cá nhân có đặc điểm riêng biệt của cá nhân trong quá trình sống, thời gian sống, sự trải nghiệm trong các quan hệ xã hội mà hình thành và mang dấu ấn riêng của cá nhân.
Về bí mật cá nhân: Bí mật cá nhân là tổng thể các quan hệ quá khứ, các thông tin liên quan đến cá nhân mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân mà bị bộc lộ sẽ gây cho cá nhân những bất lợi hoặc dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác, mà bản chất của yếu tố bí mật cá nhân không gây ra bất kỳ một thiệt hại nào cho chủ thể khác.
Về bí mật gia đình: Là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên của gia đình với nhau có mối quan hệ hữu cơ đến truyền thống nhiều đời hay một đời về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên có tính hệ thống, nếu bị bộc lộ sẽ gây ra sự bất lợi cho các thành viên gia đình trong các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật khác thuộc nhiều lĩnh vực. Bí mật gia đình được giữ kín, nếu tất cả các thành viên trong gia đình có ý thức không muốn bộc lộ, thì không chủ thể nào có quyền xâm phạm.
Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình:
Có hành vi trái pháp luật:
Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là các quyền dân sự. Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, do các quyền nhân thân này được pháp luật bảo vệ theo cơ chế pháp luật. Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bất khả xâm phạm. Hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân này là hành vi trái pháp luật.
Người có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân của cá nhân trái pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại và căn cứ vào hành vi gây thiệt hại và nếu động cơ của chủ thể gây thiệt hại, mức độ thiệt hại là nghiêm trọng thì người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thiệt hại về lợi ích tinh thần:
Những thiệt hại về quyền nhân thân do hành vi trái pháp luật gây ra được xác định là hành vi làm tổn thất về tinh thần cho cá nhân, gia đình công dân xác định được, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và thiệt hại về vật chất, về tinh thần cho người bị thiệt hại:
Quan hệ này là mối quan hệ phổ biến, quan hệ biện chứng giữa hành vi gây thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là nguyên nhân của thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại.
Người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân là người có lỗi
Lỗi có thể là vô ý hoặc cố ý. Cho dù người xâm phạm đến các quyền nhân thân này có lỗi do vô ý hoặc cố ý đều có trách nhiệm bồi thường.