Quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự, thương mại và xây dựng

Quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự, thương mại và xây dựng

By admin - Tháng Bảy 3, 2018

Quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự, thương mại và xây dựng

                Quy định về phạt vi phạm hợp đồng là một điều khoản quan trọng khi giao kết hợp đồng, vậy hãy cùng Luật Mai Phong tìm hiểu  những quy định của pháp luật về phạt vi phạm hợp đồng đối với ba loại hợp đồng cơ bản là “hợp đồng dân sự”, “hợp đồng thương mại” và “hợp đồng xây dựng” như thế nào nhé!

Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó”.

Theo đó:

Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là“hợp đồng dân sự”.
Nếu hợp đồng giao kết mà trong đó ít nhất một bên tham gia có mục đích sinh lợi, thương mại và có đăng ký kinh doanh, chẳng hạn như công ty A bán sản phẩm do mình sản xuất cho công ty B, thì gọi là “hợp đồng thương mại”.
Nếu hợp đồng trong những lĩnh vực được chuyên biệt hóa, có luật riêng, thì hợp đồng sẽ mang tên lĩnh vực đó. Chẳng hạn như hợp đồng thi công xây dựng công trình ký giữa hai công ty – quy định trong Luật xây dựng, thì gọi là “hợp đồng xây dựng” .

Có một số khái niệm cần hiểu như sau:

 “Vi phạm hợp đồng” là: Hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Ví dụ: công ty A và công ty B thỏa thuận (trong hợp đồng bán hàng) là công ty B sẽ thanh toán tiền mua hàng vào ngày 03/09/2018 . Nhưng đến ngày đó công ty B không thanh toán. Như vậy công ty B bị xem là “vi phạm hợp đồng”. Cụ thể hơn là vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

“Phạt vi phạm hợp đồng” là : Sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Chẳng hạn như trong ví dụ nêu trên, trong hợp đồng bán hàng giữa hai bên quy định “nếu công ty B chậm thanh toán tiền mua hàng, thì sẽ bị phạt 2% giá trị lô hàng cho mỗi ngày chậm”. Đây chính là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.

Việc phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận với nhau, tuy nhiên phải được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng, nếu không sẽ xem như giữa các bên không có thỏa thuận.

Thỏa thuận về phạt vi phạm trong 03 loại hợp đồng cơ bản như sau:

Hợp đồng dân sự Điều 418- BLDS 2015 quy định thỏa thuận phạt vi phạm như sau:

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, theo quy định của BLDS 2015 thì:

–  Không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự;

– Có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại;

–  Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, nhưng không đề cập việc vẫn phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ : Ông A bán cho ông B một căn nhà. Trong hợp đồng mua bán nhà quy định nếu ông A chậm giao nhà thì bị phạt 3 triệu đồng/ngày chậm. Sau đó, ông A đã không giao nhà đúng hạn mà chậm tới 30 ngày. Do việc này, ông B phải đi thuê chỗ khác ở tạm mất 10 triệu đồng. Số tiền thuê nhà này có thể xem là thiệt hại. Nhưng do trong hợp đồng chỉ nói đến việc phạt vi phạm, mà không đề cập việc bồi thường thiệt hại, nên ông B không có quyền yêu cầu ông A phải bồi thường thiệt hại cho mình (mà chỉ được nhận tiền phạt vi phạm).

Hợp đồng thương mại Điều 310, Luật Thương mại 2005 quy định về phạt vi phạm hợp đồng như sau:

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.

Lưu ý: Mức phạt tính theo “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”, chứ không phải là “giá trị hợp đồng”.

Ví dụ: Công ty A bán cho công ty B 500 chiếc xe gắn máy. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng là “bên vi phạm sẽ bị phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Sau đó công ty A giao xe cho công ty B, và có 50 chiếc xe bị hư hỏng phần yên xe. Như vậy, trị giá 50 chiếc yên xe bị hư hỏng chính là “phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.

Hợp đồng xây dựng Điều 146, Luật xây dựng 2014 quy định về phạt vi phạm hợp đồng xây dựng như sau:

– Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
– Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *