PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH THẾ NÀO VỀ QUYỀN IM LẶNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ?
MAI PHONG LAWFIRM- Quyền im lặng trong tố tụng hình sự.
Tại Việt Nam, “Quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật; Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng”, nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26). Điều 59 đến Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền của người bị buộc tội (gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự: Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội
Người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo luôn cho rằng “Quyền im lặng” được thể hiện xuyên suốt ở các giai đoạn tố tụng của vụ án, họ “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, vì nghĩa vụ chứng minh họ có tội hay không thuộc về Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát.
Theo đó, bị can, bị cáo có thể trình bày lời khai hoặc không. Việc không trình bày lời khai thể hiện ở việc bị can, bị cáo im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Khi bị can, bị cáo im lặng, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp.
Như vậy, có thể hiểu rằng bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền im lặng. Việc bị can, bị cáo không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc im lặng tại phiên tòa của Bị cáo là sai lầm, vì đây là cơ hội để bị cáo có thể trình bày cho Hội đồng xét xử hiểu và làm rõ được những thiếu sót, sai phạm trong quá trình điều tra vụ án, nếu có… Việc im lặng của bị cáo sẽ dẫn đến hệ quả phát sinh liên quan đến người bị hại, người bào chữa, cùng những người liên quan khác theo Điều 309 BLTTHS: “Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án”.
Tóm lại, thực tế thấy rằng “im lặng” trong quan hệ dân sự và tố tụng hình sự nêu trên đều không có nghĩa là đồng ý, mà đó chỉ là một cách biểu thị ý chí của người tham gia giao kết hợp đồng hoặc của bị cáo về vụ việc liên quan. Có thể là đồng ý, có thể là từ chối, thậm chí là thể hiện sự không đồng ý.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766