CHƯA ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ THÌ TÁC PHẨM CÓ ĐƯỢC BẢO HỘ HAY KHÔNG?
MAI PHONG LAWFIRM- Chưa đăng ký quyền tác giả thì tác phẩm có được bảo hộ hay không?
Thứ nhất, khi chưa tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền, quyền tác giả vẫn sẽ phát sinh từ thời điểm có tác phẩm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
“Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1.Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên quyền tác giả được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, đã công bố hay chưa, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tuy nhiên, cần xác định tác phẩm đã được thể hiện dưới hình thức vật chất nào hay chưa, trong trường hợp đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thì việc người kia đã lấy tác phẩm của tác giả để đưa vào vị trí của tác giả là đã xâm phạm quyền tác giả. Bởi vì, tác phẩm được bảo hộ kể từ khi được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.
Thứ hai, hành vi xâm phạm quyền tác giả ở đây chính là chiếm đoạt quyền tác giả.
Khoản 1 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:
“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1.Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học…”
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:
“Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Việc một người lấy tác phẩm của người khác để đứng tên họ là đã xâm phạm quyền nhân thân của tác giả. Cụ thể xâm phạm việc đứng tên thật khi tác phẩm được sử dụng. Lúc này, tác giả có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân nơi người đó cư trú để yêu cầu giải quyết.
Trong thực tế việc chứng minh quyền sở hữu tác phẩm khi chưa được đăng ký bảo hộ là rất khó khăn. Vì vậy, thông qua việc đăng ký bản quyền, tác giả sẽ được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đây chính là tài liệu quan trọng nhất để chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền được coi là tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766