BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO VƯỢT QUÁ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
MAI PHONG LAWFIRM- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vượt quá phòng vệ chính đáng
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về phòng vệ chính đáng:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”
Như vậy có thể hiểu rằng chỉ được coi là phòng vệ chính đáng khi thỏa mãn các điều kiện sau:
– Nhằm bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
– Thiệt hại xảy ra phải là thiệt hại do chính người có hành vi xâm phạm đến các lợi ích nói trên.
– Hành vi đó phải là cần thiết và tương xứng với hành vi của người gây thiệt hại.
Việc xác nhận một hành vi có phải là vượt quá phòng vệ chính đáng hay không thì phải xem xét nhiều tình tiết khác nhau vì khoảng cách giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng là rất mong manh. Các hành vi phòng vệ chính đáng không vi phạm pháp luật và không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Vượt quá phòng vệ chính đáng là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về phòng vệ chính đáng:
“2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.”
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. Hành vi chống trả để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể được pháp luật bảo vệ nhưng vượt quá mức cần thiết được xem là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng. Một người thực hiện hành vi chống trả vượt quá mức cần thiết phải chịu trách nhiệm đối với phần vượt quá gây ra. Tùy vào mức độ của hành vi mà người đó có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra còn có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 584, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Theo quy định tại Điều 590 bộ Luật Dân sự 2015 về mức bồi thường căn cứ các yếu tố sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Như vậy mức bồi thường do hành vi gây thương tích do vượt quá phòng vệ chính đáng được xác định có thể bao gồm cả bồi thường về cả vật chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, trong trường hợp có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người có hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” được quy định tại Điều 136, Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766