Bị tịch thu bằng lái xe máy, có được sử dụng bằng lái ô-tô để thay thế không?

By admin - Tháng Mười Một 14, 2024

Khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

Điều 56. Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:

a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;”

Khoản 2 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.”

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm giấy phép lái xe (bằng lái xe), tuy nhiên có thể hiểu, đây là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng loại xe cơ giới đường bộ tương ứng với loại giấy phép đó, như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô-tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác. Giấy phép lái xe là loại giấy tờ chứng nhận người sở hữu có đủ điều kiện và khả năng điều khiển loại phương tiện tương ứng. Theo đó, người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông bắt buộc phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Có nghĩa là khi điều khiển xe máy, người lái phải có giấy phép lái xe máy; lái xe hơi, tài xế phải có giấy phép lái xe ô-tô.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, khi bị thu bằng lái xe máy, không được dùng bằng lái xe ô-tô để thay thế. Nói cách khác phải sử dụng bằng lái xe phù hợp với loại xe mà mình đang điều khiển.

Sử dụng giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe đang điều khiển sẽ bị xử phạt thế nào?

Điểm a khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“7. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển”

Theo đó, trong trường hợp người điều khiển phương tiện là xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh không xuất trình giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển mà sử dụng bằng lái xe ô-tô thì người điều khiển phương tiện bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“3. Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:

a) Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng và tạm giữ phương tiện theo quy định;

b) Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);

c) Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính”.

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến bất kỳ vấn đề pháp lý nào khác, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD: Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Email: luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax: (024) 62. 810. 722 – Hotline: 097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *