trong-tai-thuong-mai-750x433

TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

By admin - Tháng Sáu 8, 2021

MAI PHONG LAWFIRM-  Tranh chấp thương mại được giải quyết như thế nào?

Khi tham gia các quan hệ kinh tế, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên là thấp nhất, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng. Thực tiễn và khoa học pháp lý ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh chấp đó là: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tàiTòa án.
1. Phương thức thương lượng

Thương lượng là việc bàn bạc nhằm đi đến thỏa thuận giải quyết một vấn đề nào đó giữa các bên.

Khoản 1, Điều 317, Luật Thương mại 2005 có quy định thì thương lượng giữa các bên là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp.

Đây là hình thức giải quyết tranh chấp không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nào, thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Phần lớn các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng các bên đều quy định việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng khi có sự vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, đây được hiểu là điều luật mang tính tùy nghi, không được hiểu là một quy định bắt buộc.

Việc sử dụng phương thức thương lượng trong tranh chấp thương mại có những ưu điểm: Không đòi hòi thủ tục phức tạp; Không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý ngặt nghèo; Hạn chế tối đa chi phí; Ít phương hại đến mối quan hệ giữa các bên và đặc biệt Giữ được bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, nó đòi hỏi các bên đều phải có thiện chí, trung thực với tinh thần hợp tác cao, nếu không, việc thương lượng sẽ thất bại và lại phải tìm đến một phương thức khác để giải quyết.

2. Phương thức hòa giải

Khoản 2, Điều 317, Luật thương mại 2005 quy định: “Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.” Nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải được hướng dẫn bởi Nghị định 22/2017/NĐ-CP

Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ do một cơ quan, tổ chức đứn ra làm trung gian hòa giải và các bên tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải. Ngay cả khi vụ việc đã được một bên khởi kiện tại Tòa án, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì có thể rút đơn khởi kiện và thực hiện thỏa thuận theo phương thức hòa giải. Đặc biệt, hòa giải viên khi tham gia hòa giải luôn đảm bảo bí mật cho các bên tham gia hòa giải mà không được tiết lộ cho bất cứ bên nào khác.

+ Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có các ưu điểm sau:

– Đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém.

– Các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên, vì vậy duy trì được quan hệ hợp tác vẫn có giữa các bên.

– Giữ được các bí quyết kinh doanh và uy tín của các bên.

– Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện có điều kiện của các bên, nên khi đạt được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.

+ Tuy nhiên cũng có những hạn chế sau:

– Người thiếu thiện chí sẽ lợi dụng thủ tục hòa giải để trì hoản việc thực hiện nghĩa vụ của mình và có thể đưa đến hậu quả là bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài vì hết thời hạn khởi kiện.

Hiện Việt Nam có một số trung tâm trọng tài như: Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC), Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC)…

3. Phương thức giải quyết bởi Trọng tài:

Khoản 3, Điều 317,  Luật thương mại 2005 quy định một trong các phương thức giải quyết tranh chấp nữa là trọng tài. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục cách thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được quy định cụ thể tại Luật trọng tài thương mại năm 2010. Các bên thỏa thuận đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài và Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên. Đây là phương thức giải quyết bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện. Các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Khác với thương lượng và hòa giải hòa giải, trọng tài là một cơ quan tài phán (xét xử). Tính tài phán của trọng tài thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành.

– Điều kiện để trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là các bên phải có thỏa thuận trọng tài, các bên cùng nhất trí đưa tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại trọng tài, thường được thể hiện trong Hợp đồng ký kết giữa hai bên. Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận. Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.

Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết.

Các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng thông qua trọng tài:
– Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng.

– Các bên tranh chấp có khả năng tác động đến quá trình trọng tài.

– Quyền chỉ định trọng tài viên giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp. Qua đó, có điều kiện giải quyết tranh chấp Hợp đồng nhanh chóng, chính xác.

– Nguyên tắc trọng tài không công khai giúp các bên hạn chế sự tiết lộ các bí quyết kinh doanh, giữ được uy tính của các bên trên thương trường.

– Trọng tài không đại diện cho quyền lực nhà nước nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhân tố nước ngoài.

Các mặt hạn chế của phương thức trọng tài:

– Tính cưỡng chế thi hành các quyết định trọng tài không cao (vì Trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước).

– Việc thực hiện các quyết định trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên.

Một số trung tâm Trọng tài tại Việt Nam: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài thương mại (HTA), …

4. Phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng

Khi tranh chấp phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Các lợi thế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:

– Các quyết định của Tòa án (đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước) có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên.

– Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện khắc phục.

– Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, thì án phí Tòa án lại thấp hơn lệ phí trọng tài.

Các mặt hạn chế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:

– Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài (vì thủ tục tố tụng Tòa án quá chặt chẽ).

– Khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng rất hạn chế.

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————- 
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội 
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *