NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ CÓ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN HAY KHÔNG?
MAI PHONG LAWFIRM- Người đang chấp hành hình phạt tù có được đăng ký kết hôn hay không?
Theo quy định tại Điều 44.1, Bộ luật Hình sự năm 2015, khi đang trong thời hạn chấp hành hình phạt tù, công dân Việt Nam sẽ bị tước một số quyền công dân sau:
“Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.”
Như vậy, chỉ khi bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định thì người phạm tội mới bị tước một hoặc một số quyền công dân, trong đó, không có trường hợp nào tước quyền được đăng ký kết hôn của người đang đi tù.
Ngoài ra, Điều 5.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định các hành vi liên quan đến đăng ký kết hôn bị cấm, đó là:
“- Kết hôn giả tạo;
– Cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;
– Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ với con nuôi; đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
– Yêu sách của cải trong kết hôn.”
Như vậy, có thể thấy, người đang đi tù không bị tước quyền đăng ký kết hôn trong trường hợp không vi phạm vào các điều cấm nêu trên. Do đó, đối tượng này hoàn toàn được quyền đăng ký kết hôn nếu đáp ứng các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 sau đây:
“- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn nêu trên.”
Tuy nhiên, liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn, tại Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:
“1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ”.
Với quy định này thì việc cả hai bên nam nữ phải cùng có mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, tại Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch, khi thực hiện việc đăng ký hộ tịch như khai sinh, khai tử, cấp bản sao trích lục… đều có thể được ủy quyền cho người khác thực hiện thay trừ 03 trường hợp: Đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con. Do đó, pháp luật chỉ cấm nam, nữ không được ủy quyền đi đăng ký kết hôn hộ mà không cấm việc đi nộp hồ sơ hộ.
Vì vậy, trong trường hợp này, người ở tù có thể ủy quyền cho người còn lại để đi nộp hồ sơ. Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, Điều 3.5 Thông tư 04/2020/TT-BTP năm 2020 quy định:
“Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt; khi trả kết quả đăng ký nhận cha, mẹ, con, cả bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều phải có mặt.”
Mặt khác, về việc trích xuất phạm nhân, khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 định nghĩa:
“Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định”
Căn cứ quy định này, phạm nhân chỉ được trích xuất ra khỏi trại giam để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định mà không được trích xuất để thực hiện đăng ký kết hôn.
Do đó, mặc dù hiện tại pháp luật không cấm nhưng người đang đi tù muốn đăng ký kết hôn là việc rất khó có thể thực hiện được.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766