MAI PHONG LAWFIRM – PHẠT VI PHẠM, BỒI THƯỜNG HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
PHẠT VI PHẠM, BỒI THƯỜNG HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Thực tế giao kết giao dịch, hợp đồng dân sự hiện nay hầu hết đều có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và BTTH do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận về các điều khoản này như thế nào để đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không phải ai, doanh nghiệp nào cũng biết. Một số quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có đề cập đến những nội dung này, như sau:
BLDS năm 2015 quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc như sau:“Hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó. Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, đất, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là “hợp đồng dân sự”. Nếu hợp đồng giao kết mà trong đó ít nhất một bên tham gia có mục đích sinh lợi, thương mại và có đăng ký kinh doanh, chẳng hạn như công ty A bán sản phẩm do mình sản xuất cho công ty B, thì gọi là “hợp đồng thương mại”. Nếu hợp đồng trong những lĩnh vực được chuyên biệt hóa, có luật riêng, thì hợp đồng sẽ mang tên lĩnh vực đó. Chẳng hạn như, hợp đồng thi công xây dựng công trình ký giữa hai công ty, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Xây dựng, thì gọi là “hợp đồng xây dựng”.
Vi phạm hợp đồng là hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Ví dụ: Công ty A và Công ty B thỏa thuận (trong hợp đồng bán hàng) là Công ty B sẽ thanh toán tiền mua hàng vào ngày 25/4/2020. Nhưng đến ngày đó, Công ty B không thanh toán thì Công ty B bị xem là vi phạm hợp đồng (vi phạm nghĩa vụ thanh toán). Trong điều khoản nội dung Hợp đồng bán hàng giữa hai bên có quy định: Nếu Công ty B chậm thanh toán tiền mua hàng, thì sẽ bị phạt 1,0% giá trị lô hàng cho mỗi ngày chậm. Đây chính là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Việc phạt vi phạm hợp đồng không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên nếu có thỏa thuận này, thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này thì xem như hai bên không thỏa thuận.
Điều 418 BLDS năm 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng dân sự:
“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”
Như vậy, pháp luật quy định không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự, các bên có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạm mà không phải BTTH. Nếu trong hợp đồng dân sự có thỏa thuận phạt vi phạm, nhưng không đề cập việc vẫn phải BTTH thì bên vi phạm sẽ không phải BTTH.
Điều 13 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Điều 360 BLDS năm 2015 quy định về trách nhiệm BTTH do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Quy định này được hiểu: Bên vi phạm nghĩa vụ, mà hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia, thì phải có trách nhiệm BTTH. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc luật có quy định khác.Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng, Điều 419 BLDS năm 2015, quy định:
“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”
Từ quy định trên chúng ta có thể hiểu:
+ Mức yêu cầu BTTH có thể bằng với lợi ích mà lẽ ra bên bị vi phạm sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.
Nhằm hạn chế những tranh chấp phát sinh không đáng có liên quan đến Hợp đồng thuê nhà ở, Điều 474 BLDS năm 2015, quy định về thời hạn thuê, như sau:
“1. Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê.
Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý.”
Theo quy định này, thời hạn thuê nhà ở do các bên thỏa thuận và có thể ghi hoặc không ghi trong hợp đồng. Dù luật đã quy định rõ ràng như thế, nhưng hiện nay hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng khi công chứng hợp đồng thuê nhà ở, đều yêu cầu các bên trong Hợp đồng phải ghi rõ thời hạn thuê nhà thì mới thực hiện công chứng Hợp đồng. Lý do mà công chứng viên đưa ra là căn cứ quy định tại Điều 398 BLDS năm 2015, theo đó, hợp đồng bao gồm nhiều nội dung, nhưng nội dung bắt buộc phải có là thời hạn thực hiện hợp đồng. Thời hạn này có thể là 06 tháng, 1 năm, 5 năm,…Trong khi đó, như trên đã đề cập, Điều 474 BLDS năm 2015 thì không bắt buộc phải ghi cụ thể. Đây là một thực tế rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, quy định thống nhất.
+ Bên bị vi phạm có thể đòi BTTH về “tinh thần”, chứ không chỉ đơn thuần là lợi ích về vật chất.
Xuất phát từ bản chất của phạt vi phạm là biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế hành vi vi phạm (khi vi phạm chưa xảy ra), đồng thời cũng là một biện pháp nhằm trừng phạt bên vi phạm hợp đồng (đã để xảy ra hành vi vi phạm). Với ý nghĩa trên, pháp luật tôn trọng và tạo điều kiện để các bên tự thỏa thuận, sao cho mức phạt vi phạm có thể phát huy được đầy đủ ý nghĩa của mình. Bên cạnh đó, chế tài bồi thường thiệt hại- mang ý nghĩa bù đắp tổn thất cho bên bị vi phạm, thường rất ít khi được Tòa án và Trọng tài chấp nhận theo yêu cầu của bên bị thiệt hại, hoặc thường được chấp nhận với mức nhỏ hơn so với thiệt hại thực tế xảy ra do những yêu cầu ngặt nghèo về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Vì vậy, việc cho phép các bên có quyền thỏa thuận mức phạt vi phạm và khoản BTTH hợp lý giúp bảo vệ phần nào lợi ích cho bên bị vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, thỏa thuận mức phạt vi phạm và mức BTTH thế nào là hợp lý lại là một vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Theo một số quan điểm, để đảm bảo tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, BLDS hiện hành đã không giới hạn trần mức phạt vi phạm. Nhưng theo quan điểm cá nhân thì nếu không có giới hạn mức phạt vi phạm, để cho các bên tự do thỏa thuận thì các bên có thể thỏa thuận một mức phạt lên đến 100%, 300%, 500% hoặc cao hơn nữa, về mặt lý là không sai, nhưng sẽ không có tính khả thi hoặc sẽ là kẽ hở để hoạt động rửa tiền hoạt động. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn quy định về phạt vi phạm phù hợp hơn với thực tiễn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý mức phạt vi phạm ở đây là “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” mà không phải toàn bộ giá trị hợp đồng. Trên thực tế, không ít trường hợp các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm, nhưng sự thỏa thuận đó lại tính trên giá trị của hợp đồng. Vậy, nếu phát sinh tranh chấp, Tòa án có chấp nhận mức phạt vi phạm giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hay toàn bộ giá trị hợp đồng; Mặt khác, chứng minh thế nào là “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” là hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt là trong các loại hợp đồng dịch vụ phải thực hiện cụ thể theo tiến trình, không thực hiện được riêng rẽ, do nhiều người cùng thực hiện…. Đó là chưa kể việc đánh giá, kết luận trong trường hợp phải đưa ra Tòa án giải quyết thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử.
Trên thực tế khi áp dụng các quy định của pháp luật dân sự, người ta thường hay nhầm lẫn giữa phạt vi phạm và BTTH, một phần bởi hai hình thức trên đều là chế tài về mặt vật chất, kết quả là khi áp dụng chế tài BTTH hoặc phạt vi phạm, bên bị vi phạm đều nhận được một khoản tiền từ bên vi phạm. Do đó, một số hợp đồng tên điều khoản là “Phạt vi phạm”, nhưng nội dung điều khoản lại thể hiện là BTTH hoặc ngược lại. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng bên ngoài, về mặt bản chất pháp lý thì đây là hai chế tài hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt được thể hiện trên những nội dung sau:
Một là, BTTH và phạt vi phạm các bên có thể thỏa thuận ghi trong hợp đồng cả 2 nội dung này hoặc chỉ ghi nhận thỏa thuận phạt vi phạm mà không yêu cầu BTTH hoặc chỉ yêu cầu BTTH mà không phạt vi phạm. Điều quan trọng là nghĩa vụ chứng minh của bên bị vi phạm để được áp dụng chế tài đã thỏa thuận. Không chỉ phải chứng minh tồn tại hành vi vi phạm mà còn phải chứng minh được rằng có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại; mức độ tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra đồng thời, bên yêu cầu BTTH phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất do hợp đồng bị vi phạm.
Hai là, xuất phát từ bản chất của hai chế định này là khác nhau, chế định phạt vi phạm nhằm ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong hợp đồng, còn chế định BTTH nhằm vào việc khắc phục thiệt hại do hậu quả của hành vi vi phạm xảy ra. Một chế định xuất phát từ sự dự liệu về quan hệ của các bên khi tiến hành ký kết hợp đồng, còn một chế định xuất phát từ yêu cầu bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Vì thế, chế tài “phạt vi phạm” có thể áp dụng cho dù chưa có thiệt hại xảy ra hoặc thiệt hại nhỏ hơn mức phạt vi phạm. Trong khi đó, chế tài BTTH nhằm bù đắp tổn thất nên sẽ chỉ bằng thiệt hại đã xảy ra hoặc thậm chí nhỏ hơn thiệt hại đã xảy ra. Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí pháp lý của mình để có thể thỏa thuận những điều khoản hợp lý nhất trong hợp đồng, giao dịch.
Vấn đề xác định thiệt hại, theo khoản 1 Điều 419, BLDS năm 2015, thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 419; Điều 13 và Điều 360 BLDS năm 2015. Trong khi đó, Điều 13 và Điều 360 BLDS năm 2015 chỉ nêu nguyên tắc chung là nếu một bên gây thiệt hại cho một bên khác thì phải bồi thường cho bên này toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hay luật có quy định khác. Khoản 2 Điều 419 BLDS năm 2015 chỉ đề cập thiệt hại là lợi ích mà lẽ ra người có quyền (bên bị vi phạm) sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và các chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức BTTH cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Theo tác giả, rất khó để xác định được các loại thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường từ các quy định này. Nên đây sẽ là vướng mắc cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời có hướng dẫn thống nhất làm cơ sở nhận thức và áp dụng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến nội dung này. Có thể tham khảo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005: “giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Mặt khác, thường số tiền BTTH do vi phạm hợp đồng được xác định bởi Tòa án có thẩm quyền hay tổ chức trọng tài trên cơ sở thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu. Nhưng trong thực tế, các bên liên quan trong hợp đồng thường thỏa thuận trước trong hợp đồng về số tiền BTTH khi xảy ra vi phạm là một con số cụ thể hay được tính theo một công thức nhất định thông qua điều khoản xác định mức BTTH cụ thể. Điều này hướng đến việc giảm thiểu chi phí thương lượng hay chi phí tố tụng, hạn chế mức BTTH mà bên vi phạm phải trả hay trong trường hợp ngược lại gây áp lực cho bên vi phạm thông qua việc quy định một số tiền bồi thường lớn.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766