Ly hôn đơn phương có cần xin xác nhận ở xã không?
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Em phát hiện chồng em ngoại tình. Sau đó hai vợ chồng em có xảy ra cãi vã dẫn đến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng không thể kéo dài. Em đề nghị ly hôn nhưng chồng em không đồng ý. Giờ em muốn đơn phương ly hôn có cần hòa giải ở cấp xã không ạ?
Luật sư tư vấn:
1. Hòa giải cơ sở là gì?
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.
Hòa giải trong ly hôn được thực hiện với mong muốn giúp hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm đồng thời, tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiền bạc của các bên.
Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
+ Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
+ Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.
2. Ly hôn đơn phương có cần xin xác nhận ở xã không?
Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về căn cứ hòa giải như sau:
“Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;
2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;
3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”
Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc hòa giải ở cơ sở như sau:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Như vậy, theo các quy định trên thì hòa giải ở cơ sở không bắt buộc. Vì vậy, không một Tòa án nào có quyền từ chối thụ lý đơn yêu cầu ly hôn chỉ vì lý do các bên đương sự (vợ, chồng) không cung cấp biên bản hòa giải ở cơ sở khi nộp đơn.
Nếu Toà án vẫn không thụ lý đơn ly hôn của bạn với lý do bạn chưa qua hoà giải ở cơ sở thì bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại hành vi này của Toà án nơi bạn nộp đơn. Đơn khiếu nại bạn có thể gửi lên Chánh án Toà án nhân dân nơi bạn đã nộp đơn.