Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
Khách hàng có hỏi một câu như sau: Gia đình anh A nợ tôi 600 triệu nhưng không có tiền trả nên hai bên thống nhất bằng văn bản bán căn nhà của anh A cho tôi để trả nợ. Nhưng một thời gian ngắn sau anh A bán căn nhà đó cho C mà không trả tiền tôi. Trong trường hợp này hợp đồng giữa anh A và C có vô hiệu không?
Luật sư tư vấn:
Giao dịch dân sự được xác lập giữa A và C với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba (là bạn). Trong trường hợp này, giao dịch dân sự được xác lập có sự tự nguyện thể hiện ý chí, tuy nhiên sự thể hiện ý chí này lại nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với bạn.
Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo:
” 1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”
Do đó, trong trường hợp này, hợp đồng mua bán nhà giữa A và C vô hiệu, hợp đồng mua bán nhà giữa bạn và anh A vẫn có hiệu lực pháp luật.
Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Anh A trả lại tiền cho C, còn C trả lại căn nhà cho A và hợp đồng mua bán nhà giữa A và bạn vẫn có hiệu lực pháp luật.