“Đặt cọc” và “Phạt cọc” theo quy định pháp luật hiện hành
“Đặt cọc” và “Phạt cọc” theo quy định pháp luật hiện hành
Hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng đặt cọc được xem là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được thực hiện phổ biến trong các giao dịch đời sống hằng ngày (đặc biệt là lĩnh vực mua bán). Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến vấn đề “Đặt cọc” và “Phạt cọc” tại Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 để mọi người có thể nắm rõ vấn đề này theo quy định pháp lý hiện hành, bảo vệ quyền lợi của mình khi áp dụng chế định đặt cọc.
Đặt cọc là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLDS 2015, đặt cọc được hiểu là:
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. |
Như vậy, theo quy định trên thì chúng ta thấy rằng:
– Mục đích đặt cọc là: nhằm đảm bảo cho việc giao kết hay thực hiện hợp đồng dân sự. Giao dịch đặt cọc gồm có bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, giữa hai bên có các quyền và nghĩa vụ theo sự thỏa thuận của hai bên, theo quy định của pháp luật.
– Tài sản đem ra đặt cọc chỉ có thể là: Tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác. Điều này có nghĩa là: Các quyền tài sản thì không được dùng để làm tài sản đặt cọc.
Xử lý tài sản đặt cọc
Sau khi tiến hành đặt cọc thì dựa vào kết quả hợp đồng có được giao kết hay không chúng ta có 03 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm như sau:
– TH1: Nếu hợp đồng ĐƯỢC giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
– TH2: Nếu bên đặt cọc TỪ CHỐI việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
– TH3: Nếu bên nhận đặt cọc TỪ CHỐI việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, xét trường hợp thứ ba sẽ dẫn đến việc bên nhận đặt cọc phải bị phạt cọc. Theo đó, “phạt cọc” được hiểu là bên nhận đặt cọc vi phạm cam kết, không thực hiện hợp đồng đã xác lập thì ngoài việc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc còn bị phạt một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc. Mặt khác, vì bản chất của đặt cọc là thỏa thuận giữa các bêntrong giao dịch; chính vì thế nên các bên có thể thỏa thuận phạt cọc gấp 2 đến nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc tùy vào sự thương lượng trước đó của các bên. Và, theo quy định thì đối tượng của phạt cọc chỉ có thể là tiền (số tiền tương ứng với giá trị tài sản đặt cọc), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.