CÔNG CHỨC ĐÃ NGHỈ HƯU CÓ BỊ XỬ LÝ KỶ LUẬT HAY KHÔNG?

CÔNG CHỨC ĐÃ NGHỈ HƯU CÓ BỊ XỬ LÝ KỶ LUẬT HAY KHÔNG?

By admin - Tháng Tám 11, 2021

MAI PHONG LAWFIRM – Công chức đã nghỉ hưu có bị xử lý kỷ luật không?

Căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật cán bộ công chức 2008 quy định như sau:

“5. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;”

Như vậy, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của công chức đã nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi nghỉ hưu mới phát hiện công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Hình thức xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.

Ngoài ra, luật cũng quy định công chức đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày luật cán bộ, công chức sửa đổi 2019 có hiệu lực cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.

Thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ hưu

Căn cứ Điều 23 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cụ thể như sau:

– Đề xuất hình thức kỷ luật thời điểm và thời gian thi hành kỷ luật.

Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

– Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật.

Căn cứ vào đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật của cơ quan tham mưu; dựa vào hành vi, mức độ vi phạm, cũng như tính chất, mức độ nguy hại của hậu quả, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử lý kỷ luật. Cụ thể, thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu được quy định như sau:

Căn cứ Điều 22 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ hưu như sau:

+ Công chức đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì người ra quyết định kỷ luật là cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cao nhất.

+ Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn.

+ Trường hợp người đã nghỉ hưu bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định kỷ luật.

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————- 
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội 
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *