Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, người lao động nên làm gì?
🖌Xin chào Luật sư, em có 1 vấn đề cần tư vấn như sau:
Em ra trường được gần 1 năm, làm việc tại 1 công ty được hơn 8 tháng. Sau thời gian thử việc 1 tháng thì hai bên ký hợp đồng lao động, có điều khoản sẽ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau hơn 8 tháng em làm việc em cũng không thấy công ty đóng bảo hiểm cho em dù em đã nói nhiều lần. Sau đó em gặp trực tiếp giám đốc yêu cầu được đóng bảo hiểm thì nhận được câu trả lời là đã trả bảo hiểm vào lương và từ khi công ty thành lập đến nay không đóng bảo hiểm cho ai. Vậy trong trường này em nên làm gì?
💥Trả lời:
✍️✍️Cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Luật Mai Phong. Với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì công ty nói trên có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Tuy nhiên, họ lại cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm thì theo Khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bạn có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
✔️ Trình tự như sau:
1. Khiếu nại lần 1 tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty.
– Về thời hiệu khiếu nại: Căn cứ khoản 1 điều 7 nghị định 24/2018/NĐ-CP: “1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.”
– Về thẩm quyền giải quyết: căn cứ khoản 1 điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.
– Hình thức khiếu nại: có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại qua đơn
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
– Thủ tục:
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính;
+ Kiểm tra xác minh nội dung khiếu nại lần đầu
+ Tổ chức đối thoại: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
+Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu: Người giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại
+ Gửi quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Khiếu nại lần 2 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội
– Thẩm quyền giải quyết: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu.
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
– Thời hạn giải quyết khiếu nại: thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.
3. Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết (không bắt buộc)
Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ điều 202 bộ luật lao động 2012 thì trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp.
4. Khởi kiện đến Tòa án nhân dân
Căn cứ Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:
– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;
– Hoà giải không thành;
– Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải;
– Công ty vẫn không đóng.
(Theo chuyên viên Nguyễn Hằng)
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766